Trong 6 tiếng đồng hồ, những người thợ lau kính làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi trên độ cao 200m, ngoài trời, bất chấp tiết trời nắng đổ lửa, gió mạnh.
> Chùm ảnh: Đùa giỡn với "tử thần" trên cung đường sắt Bắc Nam
Trong 6 tiếng đồng hồ, những người thợ lau kính làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi trên độ cao 200m, ngoài trời, bất chấp tiết trời nắng đổ lửa, gió mạnh, hay những đồng tiền công thấp hơn bình thường. Phải dũng cảm và chịu khó lắm, mới làm được người nhện cao ốc.
Mưu sinh trên dây
Đi dọc phố Bà Triệu – Hà Nội, ngước lên, có thể thấy nhiều lao động đu đưa giữa trời, trong cái nắng nóng vàng mắt của mùa hè để lau bụi bám trên nhà cao tầng. Những “chú nhện” ấy cứ trườn lên, tụt xuống quanh tòa tháp đôi Vincom, vươn tay lau sạch những tấm kính cho tới khi chúng sáng lấp lánh.
Cách mặt đất chừng 200m, khoảng tầng thứ 18 – 19 của tòa tháp đôi, những người nhện cứ thoăn thoắt bám từ cánh cửa bên này lại đu mình sang cánh cửa bên kia, tay cầm miếng giẻ nhúng vào xô nước giặt qua rồi lại xoa đi xoa lại trên từng phiến đá, tấm kính.
Anh Phùng Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thanh Hải, người điều hành đội thợ trên, cho biết, khi thi công những công trình 5 hoặc 7 tầng, anh em có thể xuống dưới ăn, nhưng ở những công trình cao 30 - 40 tầng trở lên thì anh em thường ăn luôn tại chỗ cho đỡ mất thời gian. Cơm, thức ăn, nước uống sẽ được kéo lên bằng dây.
Đến 17h30, nhóm người nhện hoàn thành công việc và tiếp đất, ai nấy nhễ nhại mồ hôi, người ướt nhẹp, bụi bặm bám đầy quần áo. Chu Văn Nam, quê ở Thanh Ba (Phú Thọ), đã theo nghề 5 năm nói: Ở độ cao 150 – 200m, gió rất mạnh, cộng với nước bắn ra khi lau kính nên ai cũng ướt như chim sẻ gặp bão.
Chưa kể có lúc đang làm việc bỗng có đợt gió lớn, sợi dây thừng đeo ngang hông đu đưa như võng, đã có người bị va đập vào bờ tường, cửa kính, mắc vào dây điện… Hồi mới chân ướt chân ráo đi làm, ở độ cao 100m, Nam chỉ chịu được 1 - 2 tiếng bởi vừa bị choáng, vừa bị lạnh. Lâu dần cũng quen, Nam có thể ngồi chót vót trên cao cả ngày.
Bữa cơm ở lưng chừng trời là cảm giác khác lạ. Vừa ăn vừa sợ. “Vì khi ăn, buộc phải nhìn xuống, chứ không nhìn ngang mãi được” – một lao động kể. Gió phần phật. Dây chão lắc qua lắc lại. Cái nóng phả hầm hập từ kính và tường ra bên ngoài. Người mới làm không dám ăn uống trên độ cao ấy, cũng không dám nghỉ giữa chừng, “nghỉ xong e rằng không dám làm tiếp nữa”. Lao động khác nói: “Như ăn cơm trên thuyền thúng giữa biển. Coi chừng cơm mất, nước mắm rơi”.
Nguyễn Văn Hoàng có kinh nghiệm gần 7 năm trong nghề, từng chứng kiến cả trăm người phải bỏ nghề vì không chịu được độ cao. Ban đầu làm việc ở những tòa nhà thấp, họ còn theo được. Về sau, nhận nhiều công trình cao tầng như tòa nhà EVN (trên phố Cửa Bắc) hay Ciputra, nhiều người lên cao bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… nên phải bỏ nghề.
Người nhện không mũ bảo hiểm, không ủng, không tất tay, chỉ độc một chiếc đai an toàn thắt ngang bụng, cộng với chiếc giá hàn bằng mấy thanh sắt phi 6. Giám đốc Hải nói: Trung bình mỗi tháng, họ kiếm được từ 6 - 8 triệu đồng/người. So với những nghề phổ thông khác, số tiền đó là rất khá, nhưng tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bấp bênh
Đã không ít người làm nghề lau kính tử nạn chỉ vì thiết bị bảo hộ lao động không đảm bảo an toàn, như đứt dây, gãy ván, sơ ý trượt chân…
Anh Phạm Khánh Thủy, Trưởng phòng nhân sự Công ty Sơn Benz cho hay, một số công ty dịch vụ làm về lĩnh vực này tới lấy sơn còn mua kèm cả thiết bị bảo hộ lao động theo quy chuẩn.
Còn phần lớn người lao động tự do chỉ đến lấy sơn. Những lao động tự do thường ra chợ thửa một vài thứ rồi mang về tự chế. Vì họ kiêm rất nhiều nghề, thuê gì làm nấy, từ bả ma tít, sơn, đến lau kính, mà thiết bị bảo hộ chỉ chế một lần dùng gần như mãi mãi nên chẳng có gì bảo đảm.
“Năm 2010, có trường hợp đến lấy sơn chỗ chúng tôi, sau đó mất hút. Gọi điện, mới biết đã tử nạn”, anh Thủy nói.
Ngày 21/2 vừa qua, một người thợ đu dây làm vệ sinh cửa kính tại tầng 3 số nhà 78 phố Huế (Hà Nội) bất ngờ đứt dây rơi xuống đất tử vong. Trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, trên đường về Kim Sơn (Ninh Bình), chúng tôi đã chứng kiến đám tang anh Phạm Thành C và Trần Minh K bị đứt dây rơi xuống khi lau kính cho một khách sạn ở TPHCM.
Nguyễn Văn Tuân quê Hòa Bình, nhân viên của Công ty Thanh Hải cho biết: “Chúng em mang tiếng là làm cho công ty, nhưng thu nhập cũng bấp bênh lắm, lúc nào công ty nhận được hợp đồng hời thì còn kiếm được, chứ gặp trường hợp “xương” thì chỉ lấy công làm lãi”.
Những tháng kiếm được, có đồng quà tấm bánh Tuân mới dám về thăm nhà, tháng nào mưa to gió lớn thì co ro nằm ở phòng trọ ăn mì tôm. “Có chút sức khỏe và kinh nghiệm là làm được. Nếu có lựa chọn, chắc bọn em cũng phải làm nghề này thôi. Học hành chẳng đến đầu đến đũa phải chấp nhận” – Tuân nói.
Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng Phòng An toàn lao động - Sở Lao động thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐTB&XH) nói, các công trình từ 6 tầng trở lên đều nằm trong diện phải kiểm tra về tính hợp pháp của hợp đồng lao động cũng như việc sử dụng lao động.
Người lao động thường sử dụng thang tời điện và dây chão để lên xuống khi dọn vệ sinh, lăn sơn các tòa nhà cao tầng. Theo quy định, chỉ kiểm tra độ vững chắc và tuổi thọ của dây cáp đối với thang tời điện, còn dây chão không bắt buộc phải kiểm tra.
Cũng theo ông Việt, với những tổ thợ nhỏ lẻ, tự phát làm vệ sinh như lau kính, lăn sơn, Sở chưa kiểm soát được.
|
(Theo Tienphong)