Cũng đến lúc chồn chân mỏi gối, kẻ lãng du quay lại khu phố cổ chật hẹp mà ấm cúng, ăn một bát phở nóng đến đổ mồ hôi rồi ngước mắt nhìn lên cái cửa ô cũ kỹ.
Cũng đến lúc chồn chân mỏi gối, kẻ lãng du quay lại khu phố cổ chật hẹp mà ấm cúng, ăn một bát phở nóng đến đổ mồ hôi rồi ngước mắt nhìn lên cái cửa ô cũ kỹ.
Hà Nội ngàn năm tuổi là một trong không nhiều thủ đô lâu đời trên thế giới, thế nên mỗi góc phố, mỗi hàng cây... đều mang vẻ đẹp của những trầm tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.
Nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng với vị trí địa lý thuận lợi, người dân thông minh thanh lịch, Thăng Long - Hà Nội trải qua ba triều đại: Lý, Trần, Lê với hơn 800 năm trị vì, mà di tích Hoàng thành vừa được khai quật là một bằng chứng. Những kiến trúc phương Đông của quá khứ hòa trộn với những kiến trúc phương Tây của hiện tại, những đền chùa cổ kính, những tòa biệt thự, những công trình văn hóa lớn với lối kiến trúc Pháp và rất nhiều công trình nguy nga mới mọc lên tạo cho Hà Nội nét độc đáo của một đô thị vừa cổ kính vừa hiện đại.
Hà Nội còn quyến rũ bởi thiên nhiên tươi đẹp với những hàng cây rợp bóng và hồ nước lung linh. Mỗi mùa đều có dáng vẻ riêng. Mùa xuân hoa sữa nở trắng dốc Ngọc Hà. Hè về, hoa sấu ngọt hương, đường Lý Thường Liệt chói lóa màu phượng đỏ. Thu sang, hàng xà cừ lão đại trên đường Hoàng Diệu thả ngàn lá dát vàng không gian. Mùa đông, những phố cổ trở nên vô cùng gợi cảm bởi thân bàng trụi lá... Ta có thể vui về Hà Nội đã có những ngôi nhà cao tầng sáng choang cửa kính, nhưng dường như ta cảm thấy vui hơn khi đi một vòng Hồ Gươm để ngắm những cây gạo hoa đỏ, cây lộc vừng chín gốc soi bóng mặt hồ, cây liễu thướt tha buông rèm mượt như tóc người con gái Hà Nội. Cầu Thê Húc như chiếc lược đỏ đưa du khách vào đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm.
Những khu phố cổ dù đã bao dầu dãi thời gian nhưng ở đó ta có thể bắt gặp điều gì đó vừa quen vừa lạ nơi những căn nhà được xây dựng cách đây hàng thế kỷ. Dẫu đã nhiều thay đổi nhưng những ký ức xưa, câu chuyện xưa vẫn thoảng như đâu đó trên những mái ngói rêu phong. Khác với những ngôi nhà thường thấy trong các làng mạc cổ xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhà ở đô thị cổ Hà Nội được hình thành từ những sáng tạo kiến trúc của những người thợ trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hà Nội – kẻ chợ, vốn dĩ sống cụm thành từng phường hội, kinh doanh chuyên biệt một mặt hàng nào đó, tạo nên các phố có ngành nghề kinh doanh thuộc nền kinh tế thương nghiệp nhỏ riêng biệt, tồn tại bên cạnh khu thành cổ. Chính điều này đã tạo nên một Hà Nội với những phố nghề nổi tiếng: Hàng Bạc, phố Lò Rèn, phố Thuốc Bắc... Chẳng khó khăn gì để gặp những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã làm nên những kiệt tác say đắm lòng người: đúc đồng, chế tác đồ vàng, bạc, sơn mài, gốm sứ, dệt may, tơ lụa, đồ gỗ, mây tre... Ở đất này có nghề gì mà không có những đôi bàn tay tài hoa nghệ sĩ. Chỉ mươi phút xe hơi, ta sẽ đặt chân vào làng nghề Kiêu Kỵ với bạc quỳ, vàng quỳ... Sẽ bất ngờ khi lạc vào thế giới của gốm sứ Bát Tràng, ngắm dòng sông trên bến dưới thuyền dập dìu những ghe hàng đầy ắp...
Nằm ở phía nam của khu hoàng thành xưa, bao quanh bởi những bức tường cổ kính, Văn Miếu, trung tâm Nho giáo và Nho học, nơi đào tạo nhân tài bậc nhất xưa kia đã tồn tại và hiện diện ít nhất 930 năm, hàng ngày tấp nập du khách đến chiêm ngưỡng trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Hãy đến với chùa Một Cột bắt nguồn từ giấc mơ lành thấy Phật Quan Âm dắt tay lên toà sen của vua Lý Thái Tông (1028-1084) hay một phần của Hoàng Thành hoa lệ trải suốt các triều đại Lý - Trần - Lê. Hoặc đơn giản hơn nhẹ bước trên cây cầu Long Biên trăm tuổi nối nhịp sống đôi bờ. Đến và đi, để mà cảm nhận, để mà thấy lòng mình trầm lại, thư thái như sống trong vòng tay mẹ - vĩ đại mà thân thuộc.
Cũng đến lúc chồn chân mỏi gối, kẻ lãng du quay lại khu phố cổ chật hẹp mà ấm cúng, ăn một bát phở nóng đến đổ mồ hôi rồi ngước mắt nhìn lên cái cửa ô cũ kỹ. Hà Nội từng có đến 24 cửa ô, nay chìm khuất vào thời gian người ta chỉ còn hay nhắc đến mấy cái tên quen thuộc: ô Cầu Dền ở phía Nam, ô Đống Mác gần đấy, ô Quan Chưởng phía Đông, ô Yên Phụ phía Bắc, ô Chợ Dừa phía Tây Nam, ô Cầu Giấy phía Tây... Cửa ô là nỗi ngậm ngùi chia biệt. Ông Tú, ông Cử tay nài gió đưa qua cửa ô vào kinh thi hội. Cửa ô từng đón đoàn quân chiến thắng, mũ nan dép lốp, tưng bừng nhịp gió đỏ cờ về giải phóng Thủ đô... Ô Đông Lầm có vải nâu mỏng tang cho tà áo dài phụ nữ tung bay, ô Yên Hoa là cửa mở cho suối hoa đào tràn ngập thị thành. Hàng ngày những suối rau xanh non lộc, tươi mát ngon lành, những thúng gạo trắng như bông, con gà chân vàng choé, cùng hoa tươi và muôn ngàn sản vật hào phóng tràn qua cửa ô vào thành phố... Tất cả điều đó làm nên một Hà Nội hào hoa văn vật ngàn năm, để cho kẻ tha hương dẫu rời xa Hà Nội nhưng tâm hồn luôn ở lại.
(Theo ST)