Vào ngày đầu tiên của năm, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới lại
có những phong tục chào năm mới, đón may mắn khác nhau mang đặc trưng
văn hóa riêng.
Vào ngày đầu tiên của năm, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới lại có những phong tục chào năm mới, đón may mắn khác nhau mang đặc trưng văn hóa riêng.
Anh
Người Anh cũng coi trọng tục “xông nhà” đầu năm như người Việt. Vì vậy, họ luôn mong chờ người khách đầu tiên đến nhà mình trong năm mới là một người đàn ông khỏe mạnh, trẻ đẹp và mái tóc màu đen. Khi đến xông nhà, người đàn ông tóc đen phải mang theo một trong những thứ như một mẩu than đá, một chút tiền bạc, bánh mì hoặc một chút muối. Bởi người Anh quan niệm đó là những vật “hiện thân” của sự giàu có. Ngược lại, nếu người đầu tiên xông nhà là một cô gái tóc vàng, gia chủ sẽ gặp xui xẻo và bất hạnh.
Haiti
Ngày đầu năm mới, người dân Haiti mặc quần áo mới, tặng quà cho nhau và hi vọng rằng điều này sẽ báo trước một năm mới tốt lành.
Mỹ
Vào thời khắc giao thừa, người Mỹ tập trung ở các quảng trường lớn. Họ chờ đợi khoảnh khắc quả cầu pha lê đẹp lung linh trên nóc Quảng trường Thời Đại được thả xuống, mọi người cùng nhau đếm ngược cho thời khắc quan trọng bắt đầu một năm mới. Lúc này, mọi người tung lên trời những mảnh giấy đủ màu sắc ghi lời chúc lên trời, ôm hôn nhau và cùng nhau nói “Chúc mừng năm mới”.
Những gia đình Mỹ đón năm mới với những bữa tiệc ăn uống linh đình, đặc biệt, không thể thiếu món ăn làm từ cải bắp vì họ tin món ăn này sẽ mang đến may mắn và tiền bạc trong năm tới.
Sicily, Italy
Một truyền thống lâu đời của người Sicily là một năm mới may mắn, suôn sẻ sẽ đến với những ai ăn món lasagna vào ngày đầu năm mới.
Tây Ban Nha
Khi đồng hồ điểm 12 tiếng trong đêm giao thừa, người Tây Ban Nha ăn 12 quả nho, mỗi quả cho mỗi tiếng điểm của chuông đồng hồ để đem lại điều tốt lành trong 12 tháng của năm tới.
Hy Lạp
Với người Hy Lạp năm mới là dịp để họ tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành đến Thánh Basil - một trong những tổ tiên của giáo hội chính thống Hy Lạp. Trong bữa tiệc của mỗi gia đình Hy Lạp trong dịp năm mới dù long trọng, cầu kì hay giản dị đến đâu cũng không thể thiếu được hình ảnh của những chiếc bánh kem Thánh Basil. Món bánh đặc biệt trong năm mới của người Hy Lạp có một đồng xu được nhào bên trong lớp bột của bánh mỳ. Lát bánh mỳ thứ nhất là cho người con của Chúa, lát thứ hai là cho người cha trong nhà và lát thứ ba là cho cả gia đình.
Nauy
Người Nauy trong ngày năm mới làm bánh pudding và giấu một quả hạnh ở bên trong. Sự giàu có trong năm mới sẽ đến với ai trong phần ăn của mình có quả hạnh may mắn đó.
Áo
Biểu tượng may mắn trong năm mới của người Áo là một con lợn đang trong thời kỳ cho con bú. Chú lợn này được bày trên bàn và xung quanh là những chú lợn bé xíu cũng có thể ăn được
Nhật Bản
Người Nhật trang hoàng nhà cửa để mang lại điều tốt lành trong năm mới. Một truyền thống, được gọi là kadomatsu, gồm một cành thông biểu tượng cho sự trường thọ, một thân tre biểu tượng cho sự thịnh vượng, và một cành hoa mận biểu tượng cho sự cao quý.
Trung Quốc
Người Trung Quốc không có tục xông nhà. Vào ngày Tết âm lịch, ở cửa trước của mỗi nhà đều được tô điểm một lớp sơn đỏ, biểu tượng của sự may mắn và hạnh phúc.
Ngoài ra, ngày Tết người Trung Quốc còn ăn một loại bánh nếp phát âm là “niên cao”, ý nghĩa là mỗi năm một cao, như vậy năm mới mọi bề sẽ đều sung túc hơn. Một món khác cũng thường thấy trong mâm cơm ngày Tết của người Trung Quốc là chân lợn hoặc chân gà. Họ hy vọng như vậy năm mới sẽ “vơ’” được nhiều tiền.
Hàn Quốc
Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc theo tiếng Hàn gọi là Seol thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch, là đại lễ quan trọng nhất trong năm, còn có tên gọi là Won Dan theo âm tiếng Trung Quốc là Tết Nguyên đán. Vào ngày mùng 1, món ăn truyền thống chung của Hàn Quốc là món ttok-kuc. Người Hàn cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác.
Mông Cổ
Người Mông Cổ có tục uống trà đầu năm. Thời khắc giao thừa người ta pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà và sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.
Vào ngày đầu năm mới, mọi người đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành muruu gargakh. Người ta đi về hướng nào đó theo tử vi. Họ tin rằng nếu xuất hành đúng hướng sẽ gặp may quanh năm.
Lào
Ở Lào, những ngày năm mới, người dân té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Cũng như người dân Thái Lan và Campuchia, lễ hội Bunpimay ngày Tết của người Lào mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Bunpimay là dịp để nuôi dưỡng nghệ thuật văn hóa dân tộc.
Campuchia
Ngày đầu năm mới, mọi người trong nhà đều ngồi xếp chân một phía trước bàn thờ, chắp tay vái cầu nguyện Phật Trời để xin tận hưởng phước lộc. Sau đó họ ăn mặc sặc sỡ để đến chùa dự lễ, nghe sư đọc kinh cầu nguyện, tưới nước thơm vào tượng phật, sư sãi, dâng các loại bánh ngon lên ông bà cha mẹ, để chúc thọ và báo hiếu.
Mỹ Hạnh (Cần Thơ)