Theo CBRE, Hồng Kông là thị trường kho vận lớn và có giá đắt đỏ nhất thế giới. Tính đến quý IV/2015, giá thuê kho bãi tại Hồng Kông đạt mức 312 USD/m2/năm (tương đương 2,422 HKD/m2/năm).
Cụ thể Hồng Kông đứng đầu danh sách trong nghiên cứu mới đây của CBRE về Giá thuê kho vận thế giới. Nguyên nhân được cho là nhờ vào tính chất “cao tầng” đặc biệt của thị trường này.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn các kho bãi lớn tại thành phố này là các tòa nhà cao tầng với đường kết nối cho xe vào trong tòa nhà đến từng tầng, do đó tỉ suất diện tích thuần trên diện tích sử dụng thấp hơn nhiều so với các trung tâm kho vận một tầng truyền thống tại những nơi khác trên thế giới. Kết quả là giá thuê tại Hồng Kông cao hơn thị trường đắt đỏ thứ hai là Tokyo (180 USD/m2/năm) và thứ ba là London (176 USD/m2/năm) đến 73% và 77%.
Bảng phân hạng các thị trường kho vận
Ông Darren Benson, Giám đốc bộ phận Tư vấn & Giao dịch – Bất động sản công nghiệp, CBRE châu Á nhận định: “Sự thiếu hụt nguồn cung mới chất lượng trong thập kỷ qua đã đẩy giá thuê kho vận tại Hồng Kông lên mức cao trong lịch sử. Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương suy yếu và tình hình kinh doanh bán lẻ nội địa kém làm giảm nhu cầu về không gian kho bãi. Trong quý I/2016, mặc dù tỷ lệ trống thấp đẩy giá thuê kho bãi tăng 0.4% so với quý trước, chúng tôi cho rằng giá thuê các kho vận lớn đã đạt đỉnh và có khả năng sẽ ổn định. Trong khi đó, rủi ro giá thuê giảm tiềm ẩn đang trở nên rõ nét hơn.”
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giá thuê các kho vận lớn đã tăng 2.5%. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, 15 trong số 27 thị trường tại khu vực này ghi nhận giá thuê tăng. Một số thị trường khác tại nước này cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh như Ninh Ba, Hàng Châu và Nam Kinh, mỗi thị trường có mức tăng 5%.
Ông Dennis Yeo, Giám đốc điều hành bộ phận Tư vấn & Giao dịch – Bất động sản công nghiệp, CBRE châu Á cho biết: “Thương mại điện tử đã phát triển tại các thành phố cấp I và cấp II của Trung Quốc. Mặc dù kinh tế suy thoái nhưng Thượng Hải vẫn duy trì nhu cầu về kho vận từ các nhà bán lẻ ngành hàng thời trang, thương mại điện tử và các công ty dịch vụ hậu cần. Nguồn cung đất kho vận đang dần hạn chế hơn khi chính quyền địa phương chần chừ trong việc giải phóng mặt bằng cho phát triển kho vận do thiếu nguồn thu thuế từ những dự án như thế này. Kết quả là thị trường kho vận vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các nhà phát triển và nhà đầu tư.”