Khủng hoảng Châu Âu đang ảnh hưởng tới giá bất động sản (BĐS) toàn cầu là nhận định mới đây của Knight Frank trong bối cảnh thị trường BĐS đang bị đóng băng hiện nay.
Khủng hoảng Châu Âu đang ảnh hưởng tới giá bất động sản (BĐS) toàn cầu là nhận định mới đây của Knight Frank (một Tập đoàn BĐS lớn trên thế giới) trong bối cảnh thị trường BĐS đang bị đóng băng hiện nay.
Giá nhà đất đã xuống gần mức "đáy"
Theo Knight Frank, giá cả BĐS trên thế giới không có nhiều biến động và đã xuống gần mức "đáy" trong quý đầu năm 2012. Trong đó Brazil có mức tăng trưởng thường niên cao nhất, đạt mức khoảng 23.5%; Ireland có mức tăng trưởng thấp nhất, (ở mức tăng trưởng -16.3%). Giá nhà đất sụt giảm mạnh nhất ở châu Phi, trong khi mức tăng của khu vực châu Á Thái Bình Dương giảm xuống mức 2.1%
Chỉ số giá nhà ở toàn cầu của Knight Frank quý 1/2012 đã ghi nhận mức hoạt động yếu nhất kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế chạm "đáy" năm 2009, với việc chỉ tăng 0.9% trong một năm tính tới tháng 4 năm 2012. Những lo ngại về tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu, cộng thêm những nỗ lực của chính phủ các nước châu Á nhằm hạ nhiệt thị trường tại đây và ngăn chặn hình thức đầu cơ, đã dẫn tới hệ quả trên.
Giá nhà ở toàn cầu đã giữ nguyên trong ba tháng đầu năm 2012 song đây là lần đầu tiên kể từ quý 4/2009 mà chỉ số tăng trưởng hàng năm tụt xuống dưới mức 1%.
Yếu tố dẫn tới tình trạng này là sự bất ổn của khu vực đồng tiền chung châu Âu, quyết định thay đổi dự báo về GDP theo chiều hướng tiêu cực của IMF cũng như mối lo ngại về sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang vật lộn để được vực dậy. Dựa theo các chỉ số dự báo của IMF, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 3.3% trong năm 2012 (trước đó là 4%) và GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm 0.5% trong năm 2012 (trước đó là tăng 1.1%).
Sự bất ổn định xoay quanh cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và sự bất ổn về chính trị tại Hy Lạp đã ảnh hưởng tới các quyết định mua - bán cũng như lòng tin của khách hàng trên toàn thế giới.
Hiện có rất ít dấu hiệu để nâng niềm tin của các chủ sở hữu bất động sản tại châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng do việc cắt giảm chi tiêu xã hội, dẫn tới việc lương và thu nhập sau thuế giảm khiến cho nhu cầu về nhà ở cũng vì thế mà giảm sút. Giá cả nhà ở trung bình tại châu Âu không biến động trong một năm tính tới tháng 3/2012. Estonia có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất, đạt 13.9%, trong khi Ireland sụt giảm mạnh nhất ở mức -16.3%.
Thị trường BĐS châu Á vẫn khó khăn
Cũng theo nghiên cứu của Knight Frank, nếu nhìn vào giá nhà ở hiện nay thì “con hổ” châu Á giống như một "con mèo". Lý do chủ yếu là do các nỗ lực bình ổn lạm phát của chính phủ. Khu vực này đã chứng kiến tỷ lệ tăng giá thường niên trung bình vượt mức 16% trong quý 1/2010 nhưng hai năm sau con số này chỉ còn gần 2%. Tỷ lệ tăng trưởng của khu vực này vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới, song nhìn chung đã có sự sụt giảm đáng kể.
Cơ quan nghiên cứu thị trường của Knight Frank tại châu Á thì nhận định rằng: “Thị trường nhà ở tại Trung Quốc đã có 12 tháng đầy khó khăn khi tài khoản ngân hàng của chủ đầu tư cũng như người mua đã bị thắt chặt do các biện pháp làm nguội thị trường. Những giới hạn về cho vay, những khoản thuế mới, sự hạn chế về quyền mua nhiều bất động sản và cả những luật lệ để giới hạn nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã gây được tác động”.
Tất cả đều trông chờ vào châu Âu
Knight Frank cho rằng, trong khoảng thời gian khoảng từ 3-6 tháng tới sẽ trở nên vô cùng quan trọng đối với thị trường nhà ở toàn cầu. Nếu như tình hình tại Tây Ban Nha và Hy Lạp có thể sẽ dịu xuống trong khi Pháp và Đức đồng ý về các chính sách tăng trưởng, thì cuộc khủng hoảng sẽ được ngăn chặn phần nào. Nếu không thì sẽ phải tới năm 2013, hay thậm chí là cả nửa cuối năm 2013, các chỉ số BĐS mới có thể vững vàng trở lại.
(Theo NCĐT)