Các chuyên gia của ngân hàng đã chỉ ra “mối liên hệ đáng ngại” giữa việc xây dựng các tòa nhà chọc trời và các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong lịch sử.
Đó là kết luận trong báo cáo do Ngân hàng Barclays Capital công bố ngày 11.1.
Các chuyên gia của ngân hàng đã chỉ ra “mối liên hệ đáng ngại” giữa việc xây dựng các tòa nhà chọc trời và các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong lịch sử.
BBC dẫn nội dung báo cáo chỉ rõ những ví dụ nhãn tiền. Tòa nhà Empire State ở New York được xây dựng từ năm 1929-1931, trùng với giai đoạn nghiêm trọng nhất của cuộc Đại khủng hoảng. Tháp đôi Petronas của Malaysia hoàn thành năm 1997, ngay trước khi bắt đầu khủng hoảng tài chính châu Á. Mới đây nhất, tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa vừa xây xong năm 2010 là Dubai suýt phá sản. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác được nêu trong báo cáo.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng các cao ốc chót vót phản ánh sự phân bổ vốn dễ dãi và không phù hợp, đẩy giá bất động sản lên cao và gây ra lạc quan thái quá trong tâm lý nhà đầu tư. “May cho nền kinh tế thế giới là chưa có ai lập kế hoạch vượt mặt tòa nhà Burj Khalifa”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, AP dẫn lời các nhà phân tích cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng với Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đang bùng nổ nhà chọc trời. “Trung Quốc đã có 75 tòa nhà cao hơn 240m và chiếm 53% số cao ốc đang xây dựng trên toàn thế giới”, báo cáo viết.
Từ lâu, đã có nhiều cảnh báo về bong bóng bất động sản đang phình to tại Trung Quốc và Ngân hàng JPMorgan Chase từng dự báo thị trường nhà đất nước này sẽ mất 20% giá trị trong vòng 12-18 tháng tới. Ấn Độ thì mới có 2 cao ốc hơn 240m nhưng đang có kế hoạch xây 14 tòa nữa, trong đó có tòa nhà cao thứ nhì thế giới ở Mumbai. Theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nợ xấu ở nước này đã tăng 1/3 trong nửa đầu năm tài khóa này và phần lớn trong số đó nằm trong bất động sản.
(Theo Thanh Niên)