Bị thu hút bởi nhu cầu tăng cao và lợi nhuận ổn định, giới đầu tư châu Á đang tích cực rót vốn xây dựng nhà ở cho sinh viên quốc tế đang học tại Anh.
Theo số liệu thống kê của Real Capital Analytics, trong năm 2016, các nhà đầu tư châu Á chiếm 21% tổng số giao dịch nhà ở sinh viên tại Anh, tăng vọt so với mức 1% vào năm 2015.
Các nhà đầu tư châu Á nhạy bén đã nhận ra sự gia tăng ngày càng nhanh về số lượng sinh viên châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc và Ấn Độ đang học tập tại các cơ sở giáo dục bậc cao của Anh.
Các nhà đầu tư châu Á đang tích cực rót vốn xây dựng nhà ở cho sinh viên
quốc tế tại Anh. (Ảnh: Shutterstock)
Giá đất đắt đỏ và sự khan hiếm quỹ đất tại các thành phố tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng đã cản trở sự phát triển của nhà ở dành cho sinh viên ở Anh. Ngoài ra, phân khúc này còn phải chịu sự cạnh tranh từ các dự án văn phòng và nhà ở. Do đó, nguồn cung nhà ở sinh viên hiện vẫn thiếu hụt nhiều so với nhu cầu thực tế.
Với năng lực tài chính mạnh mẽ, các nhà đầu tư châu Á không ngại rót những khoản đầu tư khổng lồ vào nhà ở cho sinh viên tại Anh. Năm ngoái, quỹ đầu tư GIC Pte và tập đoàn Mappletree của Singapore đã chi 16,2 tỉ USD – mức cao nhất từ trước tới nay để mua lại một khu nhà ở sinh viên.
Ông Chua Tiow Chye, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn Mapletree cho biết, nhà ở sinh viên là loại hình BĐS ít bị ảnh hưởng của tính chu kỳ và suy thoái kinh tế. Theo ông Chye, nguồn cung nhà ở sinh viên tại Anh, Mỹ và Úc vẫn còn khá hạn chế, trong khi lượng sinh viên quốc tế nhập học tại các nước này dự kiến sẽ tăng thêm trong những năm tới. Vì vậy, đây là cơ hội sinh lời đầy tiềm năng, thu hút giới đầu tư châu Á.
Trong năm ngoái, Mapletree đã đầu tư nhiều dự án nhà ở sinh viên ở Anh và Mỹ, cung cấp tổng cộng 14.000 phòng cho hai thị trường này. Công ty này sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường Australia và châu Âu.
Ông Lee Kok Sun – Giám đốc đầu tư BĐS của GIC cũng nhận định: “Từ góc nhìn tổng thể, nhà ở sinh viên mang lại lợi nhuận ổn định và đa dạng hơn các loại hình BĐS truyền thống khác.”