Trong danh sách các thị trường nhà đất có nguy cơ đối mặt với "bong bóng" cao, Hồng Kông giữ vị trí đầu bảng, báo cáo chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu của công ty dịch vụ tài chính UBS chỉ rõ.
Cụ thể, theo UBS, chỉ số bong bóng bất động sản nhà ở Hồng Kông là 2,03 điểm. Trong số những thị trường được nghiên cứu, đây là mức cao nhất. Mức tăng trưởng giá nhà trung bình tại đặc khu này xấp xỉ 10%/năm kể từ năm 2012. Mặc dù đã được điều chỉnh theo lạm phát nhưng giá nhà Hồng Kông đã tăng hơn 10% trong 4 quý trở lại đây.
Cũng theo khảo sát của UBS, trong 10 năm qua, khả năng chi trả cho nhà ở tại đặc khu kinh tế này sụt giảm nhiều nhất trong số các thành phố được nghiên cứu. Để có thể sở hữu một căn hộ 60m2 tại Hồng Kông, một nhân viên dịch vụ lành nghề phải làm việc suốt 22 năm mới đủ khả năng chi trả tiền mua nhà.
|
Thị trường nhà ở Hồng Kông được cho là có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản cao nhất trong số các thành phố được khảo sát. |
Mới đây, để "hối thúc" các chủ đầu tư đẩy hàng tồn kho nhanh chóng, các cơ quan quản lý nhà ở Hồng Kông đã công bố sẽ đánh thuế đối những ngôi nhà đã hoàn thiện nhưng bị bỏ trống. UBS dự báo, trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng giá nhà sẽ giảm xuống.
Đứng thứ hai trong danh sách các thị trường đối mặt với rủi ro bong bóng bất động sản cao là Munich. Hồi cuối năm 2017, giá thuê và giá bán nhà nơi đây đã tăng đến 9%.
Trong khi đó, giá nhà đất tại Tokyo được đánh giá là quá cao so với giá trị thực khi chỉ số bong bóng đạt 1,09 điểm. Tại châu Á, Tokyo là thị trường nhà ở đắt đỏ thứ hai sau Hồng Kông. Kể từ năm 2015, giá nhà tại thành phố này tăng tới 17% do dân số gia tăng và tác động của điều kiện lãi suất thấp. Thế nhưng, thị trường nhà ở tại các thành phố khác của Nhật Bản vẫn ổn định trong nhiều năm qua.
UBS cho biết, để đủ tiền mua ngôi nhà 60m2 ở Tokyo, một nhân viên dịch vụ lành nghề phải làm việc trong khoảng 11 năm. Tuy nhiên, so với mức giá thời điểm lạm phát cuối những năm 1980, giá nhà hiện nay ở Tokyo vẫn còn cách xa.
Đơn vị nghiên cứu cho rằng, thị trường nhà ở tại Singapore được định giá công bằng và hợp lý dù giá nhà vẫn duy trì ở mức cao. Bởi lẽ, trong 3 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân và giá nhà không có nhiều khác biệt. Năm 2017, để "làm mát" thị trường, chính phủ quốc đảo này đã tăng thuế đánh vào giới đầu cơ bất động sản.