Nền kinh tế đi xuống, Chính phủ tăng cường kiểm soát vốn và nội tệ mất giá đang khiến nhiều người Trung Quốc ngần ngại đổ tiền mua bất động sản tại Mỹ.
Karen Xu, nhân viên tư vấn đầu tư người Trung Quốc từng quyết định sẽ tìm mua một căn hộ chung cư cao cấp ở Miami (Mỹ) trong mức giá khoảng từ 500.000 - 750.000 USD. Thế nhưng, gần đây kinh tế Trung Quốc đi xuống đã khiến cô nghĩ lại, Karen Xu nói: "Có lẽ, tôi sẽ chuyển sang đầu tư ở Trung Quốc hoặc sẽ đợi thêm 5 năm nữa".
Số liệu mới nhất hồi tháng 3/2015 cho hay, sau 5 năm, Canada đã bị Trung Quốc 'vượt mặt' để trở thành nhà đầu tư số một vào bất động sản (BĐS) Mỹ. Tuy nhiên, một vài khách mua Trung Quốc bắt đầu rút vốn khỏi thị trường BĐS Mỹ trong thời gian gần đây bởi đợt lao dốc của chứng khoán hồi tháng 6, nội tệ mất giá, tăng trưởng trong nước trì trệ, các quy định kiểm soát vốn.
Theo chuyên gia môi giới nhà đất ,Christina Shaw, khách hàng người Trung Quốc của cô từng chi 10 triệu USD để mong tìm được 2 ngôi nhà phù hợp ở Newport Beach (California), vậy nhưng đến nay họ lại muốn giảm 1/3 ngân sách này.
Được biết, người Trung Quốc chiếm tới 30% khách hàng của rất nhiều công ty thuộc Quận Cam và khu vực San Francisco. Chủ tịch kiêm CEO Tri Pointe Group Tom Mitchell cho biết, giá BĐS ở đó tăng đã khiến họ đang phải tạm dừng và suy nghĩ lại. Trong khi đó, Zhang Xin - CEO hãng BĐS SOHO China cũng cho hay, cô sẽ không mua BĐS nước ngoài bởi mức giá quá cao.
Nhân viên môi giới đang giới thiệu căn hộ cho khách hàng tại New York.
(Nguồn ảnh: WSJ).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn và môi giới, tình trạng này chỉ là tạm thời. Trên thực tế, có rất nhiều người Trung Quốc coi BĐS Mỹ không chỉ là nơi để đầu tư mà còn là công cụ lý tưởng để tiết kiệm. Hơn nữa, nếu có địa chỉ tại Mỹ sẽ giúp con em họ vào học ở các trường ở đây dễ dàng hơn.
CEO CBRE China, Frank Chen cho rằng: "Lúc đầu những người không có nguồn thu nhập hoặc tài khoản ngân hàng ở nước ngoài sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng. Song, xu hướng đầu tư BĐS nước ngoài vẫn còn rất mạnh mẽ".
Hiệp hội BĐS Mỹ cho biết, tại Mỹ, giá mua trung bình của BĐS đối với nhà đầu tư nước ngoài là 500 nghìn USD. Một phần ba nhà đất mua bởi dân Trung Quốc tập trung ở California, theo sau là Washington và New York.
Mặt khác, các chủ thầu cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực. Theo CEO Shea Homes tại California Bert Selva, lượng khách Trung Quốc của công ty đã sụt giảm đáng kể. Nhưng cô quả quyết: "Tôi không nghĩ đây là điều xấu bởi nhờ đó mà giả cả được đẩy lên chút ít".
Trên thực tế, người mua nước ngoài đã giúp định hình lại thị trường BĐS Mỹ và tăng giá nhà đất. Theo Hiệp hội BĐS Mỹ, từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015, người Trung Quốc (gồm cả Đài Loan và Hong Kong) đã chi 28,6 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ. Con số đó mới chiếm 2% toàn bộ số tiền mua nhà đất trên cả nước. Vậy nhưng, tỷ lệ này tại riêng New York, Los Angeles, San Francisco và Miami lại cao hơn rất nhiều.
Khoảng 5 năm trước, người Trung Quốc bắt đầu ồ ạt mua nhà tại Mỹ, chủ yếu do họ giàu lên nhanh chóng, họ lại muốn bảo vệ tài sản trước bất ổn chính trị. Lúc bấy giờ, địa ốc Mỹ như một món hời sau khi thị trường sụp đổ.
Các công ty môi giới Mỹ còn mở hội thảo tại Trung Quốc với hàng nghìn người tham gia để đáp ứng nhu cầu trên. Các trang web như Juwai.com cũng quảng cáo hàng loạt BĐS Mỹ. Đồng sáng lập Juwai.com, Simon Henry nhận định: "Trong dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ ưu tiên cho đầu tư nước ngoài".
Hiện tại, các cá nhân Trung Quốc bị giới hạn chuyển ra nước ngoài không quá 50.000 USD mỗi năm. Do đó, người ta tìm cách lách luật bằng cách chuyển tiền qua nhân viên hoặc người thân của mình. Song, gần đây Chính phủ đã bắt đầu thắt chặt kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài. Theo một nhân viên môi giới nhà đất ở New York, John Chang: "Nhiều gia đình Trung Quốc muốn mua nhưng không làm sao để xuất tiền ra được".
Doanh nhân Yang Bin (38 tuổi) ở Bắc Kinh cho biết, suy thoái kinh tế càng khiến ông muốn mua nhà ở Thung lũng Silicon. "Tôi thấy môi trường sống ở Trung Quốc có rất nhiều vấn đề", ông Yang Bin nói. Với ngân sách 1 triệu USD, hiện ông đang tìm mua một căn nhà thích hợp cho con cái mình sau này.