Theo báo cáo Chỉ số đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu do hãng kiến trúc và tư vấn Arcadis công bố, Singapore vẫn tiếp tục là thị trường đầu tư cơ sở hạ tầng hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2016.
Đây là lần thứ ba Arcadis công bố báo cáo Chỉ số đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu. So với báo cáo vào năm 2012 và 2014, các vị trí đầu bảng hầu như không thay đổi. Đặc biệt, Singapore tiếp tục duy trì vị trí thị trường đầu tư cơ sở hạ tầng hấp dẫn nhất toàn cầu.
“Đảo quốc sư tử” được đánh giá cao về các chỉ số kinh doanh, rủi ro, cơ sở hạ tầng và tài chính. Mặc dù các chỉ số về kinh tế đạt điểm thấp hơn một chút so với năm 2014, Singapore vẫn đảm bảo môi trường kinh tế lành mạnh về tổng thể.
Sinagpore - Thị trường đầu tư cơ sở hạ tầng hấp dẫn nhất thế giới
Đa số các dự án tại Singapore đều do chính phủ tài trợ, cơ sở hạ tầng đang dần trở thành một phân khúc hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tư nhân.
Hiện tại, Singapore đầu tư khoảng 5% GDP vào cơ sở hạ tầng (tương đương 20 tỉ USD trong năm 2015). Đến năm 2020, đảo quốc này đặt mục tiêu tăng lên 6% GDP (30 tỉ USD). Một số dự án lớn đang được quy hoạch tập trung vào lĩnh vực y tế và giao thông vận tải, trong đó, đáng chú ý nhất là dự án mở rộng sân bay Changi.
Trong top 5 của báo cáo này cũng ghi nhận 1 thị trường châu Á là Malaysia, tăng 2 bậc so với năm 2014. Nền kinh tế tăng trưởng tốt và các dự án đầu tư dài hạn vẫn đang được tiến hành như hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Kuala Lumpur góp phần gia tăng sức hấp dẫn của thị trường này trong mắt các nhà đầu tư.
Arcadis cũng chỉ ra rằng, thị trường Malaysia vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đầu tư như tỉ giá tiền tệ so với đồng USD đang có xu hướng giảm và tình trạng tham nhũng ở các quan chức cấp cao đã khiến một số dự án bị dừng vô thời hạn.
Về điểm số kinh tế, Trung Quốc dẫn đầu trong số 41 quốc gia được Arcadis khảo sát. Tuy nhiên, do các điều kiện kinh doanh kém hấp dẫn và môi trường nhiều rủi ro, nước này chỉ xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng chỉ số hấp dẫn đầu tư cơ sở hạng tầng.
Ông Graham Kean – Giám đốc Phát triển khách hàng của Arcadis tại châu Á nhận định: “Xét trên toàn châu lục, nhu cầu của xã hội và cộng đồng đối với cơ sở hạ tầng mới là rất rõ ràng. Có rất nhiều ý tưởng và kế hoạch được vạch ra cho các dự án này, nhưng đều không thể đầu tư hoặc không có đủ vốn. Đây chính là vấn đề cơ bản cần giải quyết để mở ra một thị trường đầu tư hấp dẫn hơn.”