Xu hướng hợp nhất về mặt tài chính và tính đồng bộ về giá bất động sản trên thế giới ngày một rõ rệt, theo phân tích của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Mới đây, IMF đã công bố báo cáo “Sự ổn định tài chính toàn cầu”. Báo cáo chỉ rõ, các điều kiện tài chính đã tác động lớn tới thị trường bất động sản, cụ thể là khiến giá nhà ở từng thành phố, từng quốc gia trên toàn thế giới diễn biến theo cùng một xu hướng.
Được biết, IMF đã nghiên cứu thị trường địa ốc ở 40 quốc gia và 44 thành phố trọng điểm của các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu của Quỹ này, sự kết hợp của nhiều yếu tố gồm sự tăng trưởng kinh tế; sự gia tăng hoạt động của các nhà đầu tư tại các thành phố lớn theo tổ chức, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), công ty cổ phần tư nhân; các ngân hàng trung ương lớn cho vay với lãi suất thấp; nhu cầu mua nhà đất để sinh lời hoặc tích lũy tài sản của giới đầu tư ngoại giàu có... dẫn tới xu hướng đồng bộ giá của thị trường nhà đất toàn cầu.
|
Giá bất động sản tại một thị trường biến động có thể ảnh hưởng đến các thị trường khác trên toàn thế giới. (Ảnh: Kanok Sulaiman/Shutterstock) |
Thực tế cho thấy, giá bất động sản bắt đầu có xu hướng chuyển động tương tự giá trái phiếu, cổ phiếu cũng như các tài sản chính khác. Các hoạt động đầu tư trên thế giới có tác động nhất định tới giá nhà đất.
Trong giai đoạn 2013 - 2017, Auckland và Thượng Hải là hai trong trong số các thành phố được khảo sát có mức tăng trưởng giá nhà trung bình hàng năm cao nhất, IMF cho hay.
Cũng theo báo cáo của IMF, sự biến động của giá bất động sản Mỹ đồng bộ với tăng trưởng giá bất động sản tại các thị trường đầu tư thay thế cho Mỹ, nhất là ở châu Âu và châu Á. Sự biến động giá nhà ở Mỹ đều liên quan tới giá nhà tại các thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh, Hong Kong, Dublin, London, Thượng Hải, Seoul, Singapore, Toronto, Tokyo và Vancouver.
Xu hướng đồng bộ giá bất động sản toàn cầu được xem là một dấu hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế. Theo các nhà nghiên cứu của IMF, sự đồng bộ cao hơn về giá nhà gia tăng nguy cơ sụt giá. Bên cạnh đó, điều này cũng kiểm soát các điều kiện tài chính và kinh tế vĩ mô khác.
Trong các thời kỳ gần suy thoái toàn cầu, xu hướng đồng bộ về giá nhà phát triển mạnh ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ trong ngắn hạn. Tại các thành phố lớn, sự đột biến này được thể hiện rõ hơn. Do đó, nhằm đề phòng rủi ro suy thoái, sự phân nhánh của chu kỳ tài chính toàn cầu đối với các thành phố cần được đặc biệt lưu ý.