Kết hợp những công năng trái chiều
trong cùng một không gian vừa là cách tiết kiệm diện tích cho gia đình vừa mang
lại cảm giác mới lạ cho ngôi nhà.
Kết hợp những công năng trái chiều trong cùng một không gian vừa là cách tiết kiệm diện tích cho gia đình vừa mang lại cảm giác mới lạ cho ngôi nhà.
Phòng làm việc và phòng hát
Thường, chúng ta nghĩ rằng phòng làm việc cần sự yên tĩnh để có sự tập trung cao độ, cho chất lượng công việc tốt. Phòng hát dành cho việc giải trí, giao lưu và gặp gỡ người thân, bạn bè, đó là không gian sôi động, hấp dẫn. Hai không gian này có công năng sử dụng hoàn toàn “đối chọi” nhau. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng cho một gia đình nhỏ, thì ý tưởng kết hợp “2 trong 1” giữa hai công năng này trong cùng một căn phòng không phải là điều bất tiện bởi hai chức năng này không hoạt động thường xuyên trong ngày và không cùng thời điểm nên vẫn có sự dung hòa, hơn nữa lại tiết kiệm được khá nhiều diện tích cho gia chủ.
Để phù hợp với cả 2 chức năng trên, khi thiết kế ánh sáng là yếu tố KTS cần chú ý phần lớn đến ánh sáng của phòng. Phòng làm việc cần ánh sáng tự nhiên để làm việc, trong khi phòng hát lại cần cách âm và màu sắc tối. Dung hoà giữa hai loại ánh sáng trên trong cùng một không gian không phải là khó nhưng cần đúng cách. Thiết kế cửa sổ kính 2 lớp cách âm, vừa có tác dụng lấy sáng, vừa cách âm khi hát karaoke và bố trí một tấm mành sẽ tạo sự thuận tiện nhất định khi gia chủ muốn điều chỉnh ánh sáng (che bớt ánh sáng cũng như đưa ánh sáng vào phòng mỗi khi cần), đồng thời nó cũng có tác dụng trang trí căn phòng thêm trang nhã hơn.
Màu sắc là vấn đề tiếp theo cần phải bàn tới. Một phòng hát chuyên nghiệp, để tạo hiệu quả thị giác thường được chủ đầu tư sơn màu đỏ hoặc màu boocđô, màu nâu…tuy nhiên phòng hát tại gia không nhất thiết chú trọng tới yếu tố này mà điều quan trọng là lựa chọn những gam màu có thể dung hòa giữa hai công năng. Ví dụ, gam màu vàng sắc đỏ là sự phù hợp gần như hoàn hảo. Với màu sắc này, tạo được sự ngọt ngào ấm cúng khi thư giãn cùng gia đình. Màu sắc không quá sặc sỡ nên không gây ảnh hưởng cho khu làm việc.
Thứ ba là trang thiết bị và nội thất trong phòng. Phòng làm việc có nội thất gần như hoàn toàn khác so với một phòng hát. Nó bao gồm bàn làm việc, tủ giá sách…bởi vậy các thiết bị cho phòng làm vịêc, phòng hát nên xếp gọn gàng ở những góc khác nhau làm rộng cho cả hai công năng. Phòng hát ngoài tác dụng giúp gia chủ giải trí khi công việc căng thẳng, những bộ ghế sofa dài, còn để tiếp khách khi đồng nghiệp đến và cần trao đổi công việc.
Sự kết hợp trái chiều này sẽ tạo nên không gian hài hòa, hỗ trợ nhau rất tốt, thêm sự lựa chọn cho những gia đình có diện tích hạn chế. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng về nhu cầu sử dụng, mức độ thường xuyên trước khi kết hợp, tránh sự ảnh hưởng lẫn nhau.
Phòng khách và phòng ngủ
Kiến trúc hiện đại thể hiện rõ ràng giữa không gian chung và không gian riêng bằng cách phân chia phòng ốc cụ thể. Vì vậy, ý tưởng liên thông giữa phòng ngủ và phòng khách khá xa lạ, một phần là do quan điểm truyền thống, phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi thư giãn mang tính chất cá nhân nên phải có sự kín đáo, tế nhị cần thiết. Phần khác do tư duy, sở thích của gia chủ, muốn có một không gian ấm cúng và riêng biệt.
Tuy nhiên, mãi giữ cách thiết kế cổ điển như vậy sẽ gây nhàm chán cho nhiều gia đình, đặc biệt là những căn hộ của người độc thân muốn tạo sự phá cách hoặc là muốn tiết kiệm diện tích trong không gian nhỏ hẹp. Và phong cách thiết kế mở là sự “mở đường” với mục đích xích các không gian lại gần nhau, tạo thành một khu vực sống thân thiện, thoáng đãng. Cách thiết kế mở không chỉ dừng lại ở chỗ phòng khách mở ra ngoài thiên nhiên, phòng khách liên thông với phòng bếp hay phòng tắm mở với phòng ngủ mà còn áp dụng giữa phòng khách và phòng ngủ của một cá nhân nào đó.
Phương thức liên thông giữa hai khu vực này cũng khác nhau tùy thuộc vào kiến trúc của từng ngôi nhà và sở thích của mỗi gia chủ. Có người muốn được nghỉ ngơi thư giãn giữa một không gian rộng lớn không bị gói gọn trong bốn bức tường chật chội nhưng cũng có người vừa thích cảm giác thông thoáng nhưng vẫn có sự kín đáo riêng biệt với phòng khách. Giải pháp khá đơn giản là bố trí một vách ngăn tượng trưng, có thể là kệ trang trí, tủ ti vi, bình phong.
Vì là không gian liên thông nên cách bài trí không được phân biệt rõ ràng là phòng ngủ hay phòng khách mà đó là cách bài trí chung cho toàn bộ một không gian. Những vật dụng trong phòng ngủ cũng được xem là một thành phần của phòng khách ví dụ như giường, tủ…. Không thể phá cách tùy ý muốn gây lạc lõng với các không gian xung quanh. Đừng bày biện quá nhiều đồ dùng làm mất thẩm mỹ, khi thiết kế lưu ý sử dụng tử âm tường hoặc những ngăn (hộc) để đồ dùng cá nhân gọn gàng, khoa học.
KTS. Nguyễn Đắc Thạnh
Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim
http://kientructrangkim.com/