Căn hộ nhỏ bé ban đầu là của một người độc thân nhưng sau khi kết hôn
cần có sự chuyển đổi thành không gian sống của cặp vợ chồng trẻ.
Căn hộ hẹp, dài 40m2 có gác lửng này là một thử thách cho nhà thiết kế "ra tay" làm đẹp.
Căn hộ nhỏ bé ban đầu là của một người độc thân nhưng sau khi kết hôn cần có sự chuyển đổi thành không gian sống của cặp vợ chồng trẻ. Do đó, họ muốn có một phòng ngủ riêng biệt và một nơi thoải mái để bạn bè tụ tập, tiệc tùng.
Sơ đồ bố trí căn hộ
Căn hộ hẹp dài, có hình dáng góc cạnh được thiết kế bao gồm: phòng khách, phòng ăn, bếp, 1 phòng tắm ở tầng trệt và một phòng ngủ ở gác lửng. Nhờ mở rộng diện tích gác lửng dành cho phòng ngủ kín đáo nên các không gian chức năng cũng được bài trí rộng rãi hơn. Điều chú trọng duy nhất là hình dáng hẹp dài của căn hộ đòi hỏi phải có cách thức sắp xếp, bố trí hợp lý, khoa học để không làm mất đi sự tiện nghi, thoải mái.
1. Phòng khách trang nhã, thanh lịch và ấm cúng
Phòng khách trang nhã, thanh lịch trong sắc màu trung tính. Sự xuất hiện khá nhiều của chất liệu gỗ tự nhiên (bàn cà phê, sàn gỗ) “khoác” lên không gian một bầu không khí ấm cúng.
Phòng khách được sắp đặt cuối phòng, ngay vị trí cửa ra vào. Sofa đặt sát tường một cách gọn gàng, không chiếm dụng nhiều diện tích. Bàn café thấp phù hợp với hình thể hẹp, dài tạo độ thông thoáng xuyên suốt cho không gian tổng thể. Nó được đặt trên thảm trải sàn màu be, chất liệu lông xù để hỗ trợ tốt cho việc sinh hoạt trên mặt sàn. Một vài sofa đơn bổ sung cung cấp thêm sức chứa.
2. Góc đọc sách cá nhân thoải mái
Hệ thống kệ tường đặt dọc theo căn hộ, tận dụng khoảng trống còn lại ở hai bên vách. Kệ nhỏ cạnh sofa giải quyết nhu cầu lưu trữ khá phong phú cho những vật dụng cần thiết trong phòng khách. Kệ lớn đặt ở khoảng giữa căn hộ được sử dụng làm giá sách, văn phòng phẩm và phục vụ mục đích trang trí. Kết hợp với một chiếc ghế bành kiểu dáng cách điệu hiện đại, nó biến thành góc giải trí, thư giãn nhẹ nhàng cho gia đình.
Cửa sổ được bố trí trên cao vừa đón nắng vừa thoáng khí. Đây là giải pháp thông minh tận dụng nguồn sáng tự nhiên. Kính mờ giảm độ chói nhưng vẫn cho phép ánh sáng đi qua cung cấp cho toàn bộ căn hộ hẹp, dài.
3. Phòng ăn ấm áp, thân thiện với chất liệu gỗ tự nhiên
Phòng ăn được bố trí liền kề ngay cạnh phòng khách và góc đọc sách. Kệ lưu trữ nhỏ đánh dấu sự chuyển đổi không gian, đáp ứng lưu trữ cần thiết cho khu vực bàn ăn. Tiếp nối việc sử dụng chất liệu tự nhiên trên bàn ăn và ghế gỗ mang đến cho phòng ăn cái nhìn ấm áp, thân thiện mà cũng rất cởi mở.
4. Nhà bếp thanh lịch, cổ điển
Nhà bếp bài trí không quá cầu kỳ nhưng tiện dụng. Tủ bếp song song, đặt dọc tường tương xứng với bố cục hẹp dài. Đơn giản trong hai sắc độ trắng và gỗ sậm, phòng bếp mang vẻ thanh lịch, cổ điển rất dễ chịu cho thị giác.
5. Phòng ngủ nhẹ nhàng, gần gũi trong bảng màu trung tính
Nhà thiết kế sử dụng các bức tường cao và xây dựng một căn gác nhỏ, nơi mà hóa ra không chỉ phù hợp với một chiếc giường, mà thậm chí cả tủ quần áo.
Vẫn trung thành với bảng màu trung tính, phòng ngủ được tạo dựng bởi những gam màu nhẹ nhàng trên nội thất và chất liệu. Bộ chăn ga đơn giản với họa tiết kẻ sọc. Một bức tranh không quá nổi bật nhưng đủ tạo điểm nhấn bắt mắt. Nội thất giản đơn được giữ nguyên màu gỗ tự nhiên. Tất cả khiến cho không gian riêng tư toát lên phong thái nhẹ nhàng, gần gũi và rất thư giãn.
6. Phòng tắm gọn gàng và phân tách thông minh
Phòng tắm được sắp đặt ở cuối căn hộ. Hai mảng chức năng tắm và vệ sinh được phân tách thành hai bên cánh cửa. Ở giữa là bồn rửa và hệ thống lưu trữ rộng rãi. Lắp đặt gương ở vị trí này là cách khéo léo để “nhân đôi” không gian phòng tắm nhỏ.
(Theo PLXH)