Ngày 6.9.2010, tại Cần Thơ đã diễn ra hội nghị đầu tư và phát triển ĐBSCL. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo bộ ngành, đại diện ngân hàng Thế giới (WB), lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL và gần 1.000 khách mời gồm các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 6.9.2010, tại Cần Thơ đã diễn ra hội nghị đầu tư và phát triển ĐBSCL. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo bộ ngành, đại diện ngân hàng Thế giới (WB), lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL và gần 1.000 khách mời gồm các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị này có 10 dự án đầu tư được ký biên bản ghi nhớ, gồm các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch, khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, chế biến thủy sản, giáo dục...
Tổng số vốn ước tính hơn 17.000 tỷ đồng, tương đương 900 triệu USD. Ngoài ra ban tổ chức còn nhận được 2 thư quan tâm của: công ty cung cấp điện và nước An Giang quan tâm dự án Nhà máy cấp nước Vàm Cống - Long Xuyên - An Giang. Công ty phát triển kỹ thuật xây dựng TDC quan tâm dự án khu dân cư du lịch sinh thái Cồn Khương – Cần Thơ.
Phát biểu với hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Vùng ĐBSCL là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên trên 4 triệu ha, dân số khoảng 17 triệu người (chiếm 21% cả nước); có đường biên giới với Campuchia dài khoảng 330 km; bờ biển dài trên 700 km với khoảng 360.000 km2 vùng biển chủ quyền Việt Nam; hàng năm đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước.
Đây còn là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, hàng năm sản xuất khoảng 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu và khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế to lớn của vùng; kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất còn chậm; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp còn thấp; thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn hạn chế, thấp xa so với các vùng khác.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng ngập lũ sâu và trong đồng bào Khơ me. Công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém; hiệu quả đầu tư chưa cao.
Nhận thức rõ vai trò và vị trí của ĐBSCL, Chính phủ Việt Nam tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt; trong đó, đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và tạo thuận lợi để ĐBSCL phát triển, như: phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, trong đó xác định ĐBSCL là vùng trung tâm lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản của cả nước, đồng thời, là một trung tâm năng lượng lớn.
Cùng với các công trình công trình quan trọng do Chính phủ đầu tư thời gian qua, mới đây Chính phủ đã quyết định đầu tư nhiều dự án quan trọng mới trên địa bàn nhằm nhanh chóng tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật để hòa nhập liên kết vùng và phát triển toàn diện...”
Đây là hội nghị đầu tư và phát triển cấp vùng lớn nhất từ trước đến nay. Dù Ban tổ chức và các tỉnh có cố gắng rất lớn nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn, vì các tỉnh chủ yếu giới thiệu dự án và nhà đầu tư thì trong giai đoạn tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư vào vùng đất khá mới và nhiều tiềm năng.
(Theo SGTT)