Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, hiện có 180 công trình xuống cấp, có yếu tố nguy hiểm. Tuy nhiên việc di dời, sửa chữa rất khó khăn vì có những căn hộ có tới 2 - 3 người sở hữu hoặc có những nhà xập xệ nhưng nghèo quá không có tiền sửa...
Ông Đặng Ngọc Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã cho biết một số thông tin xung quanh việc nhiều ngôi nhà trên các tuyến phố cổ Hà Nội xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đổ sụp.
- Thưa ông, theo thống kê của Ban Quản lý thì hiện nay có bao nhiêu nhà phố cổ trong diện xuống cấp, nguy hiểm?
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã phối hợp với UBND 10 phường trong khu phố cổ tiến hành rà soát, thống kê các công trình xuống cấp, nguy hiểm. Qua rà soát hiện có 180 công trình xuống cấp, có yếu tố nguy hiểm.
Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, qua rà soát hiện có 180 công trình xuống cấp, có yếu tố nguy hiểm
- Vừa qua đã xảy ra một số sự cố về sập nhà ở Cửa Bắc, Trần Hưng Đạo... khiến người dân sống ở những căn nhà xuống cấp lo lắng, vậy công tác duy tu, sửa chữa các căn nhà xuống cấp trên các tuyến phố cổ được thực hiện thế nào để đảm bảo an toàn, thưa ông?
Việc duy tu, sửa chữa các căn nhà xuống cấp phụ thuộc ý thức của chủ sở hữu, quản lý, sử dụng công trình và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều người dân vẫn sống trong cảnh không biết nhà sập lúc nào
(Ảnh: Internet)
Cụ thể, đối với nhà thuộc sở hữu tư nhân thì chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý phải chủ động trong việc duy tu, sửa chữa công trình của mình để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng; khi phát hiện căn nhà có dấu hiệu nguy hiểm, phải có trách nhiệm tổ chức kiểm định công trình để đánh giá cấp độ nguy hiểm của công trình, từ đó lập phương án cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn.
Đối với nhà thuộc sở hữu nhà nước thì tổ chức được giao quản lý có trách nhiệm lập kế hoạch duy tu, sửa chữa chống xuống cấp cho các công trình hàng năm.
Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị thuộc quận tiến hành rà soát, đánh giá sơ bộ các công trình xuống cấp để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão.
- Có những căn nhà xuống cấp đã được người dân sửa chữa bằng cách che hoặc quây tôn, thậm chí có những căn còn cơi nới bằng các khung sắt kín, khá nguy hiểm nếu có sự cố cháy nổ. Vậy, Ban quản lý có ý kiến gì về những vấn đề này?
Đặc điểm trong khu phố cổ có mật độ dân cư cao dẫn đến không gian sinh hoạt ngày càng chật hẹp, nhu cầu ở ngày càng tăng dẫn đến việc một số hộ dân đã cơi nới để tăng diện tích ở. Tuy nhiên, các vật liệu sử dụng mang tính chất tạm bợ không đảm bảo mỹ quan, phương pháp cải tạo ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Do vậy, cần có phương án chỉnh trang các tuyến phố nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị. Đối với các công trình không đảm bảo an toàn về kết cấu cần khảo sát, đánh giá chất lượng công trình và có phương án phù hợp.
Ngoài ra, Ban quản lý phối hợp với UBND 10 phường và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, vận động các hộ dân thực hiện theo Quy chế quản lý Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội và tổ chức tập huấn về phòng cháy chữa cháy cho nhân dân trên địa bàn hàng năm.
- Công tác quản lý các căn nhà phố cổ xuống cấp, nguy hiểm hiện có những khó khăn gì, thưa ông?
Các công trình trong khu phố cổ phần lớn có niên đại khá lâu đời nhưng chưa được khảo sát đánh giá một cách khoa học để có biện pháp quản lý một cách hữu hiệu.
Các công trình rất đa dạng về sở hữu nên gặp khó khăn trong công tác quản lý cũng như cảnh báo đối với chủ sở hữu, quản lý, sử dụng công trình về tình trạng xuống cấp của công trình.
- Vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân ở những ngôi nhà xuống cấp, Ban quản lý có những giải pháp, khuyến cáo gì?
Để đảm bảo an toàn cho người dân ở những ngôi nhà xuống cấp, theo chúng tôi cần thực tổ chức rà soát, đánh giá niên hạn sử dụng các công trình để đưa ra cảnh báo đối với chủ sở hữu, người quản lý hoặc người đang sử dụng công trình.
Đồng thời, tổ chức kiểm định đánh giá cấp độ nguy hiểm đối với các công trình xuống cấp theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2016 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình.
Căn cứ kết quả kiểm định công trình để đưa ra khuyến cáo đối với chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng công trình như: lập phương án cải tạo, sửa chữa công trình để đảm bảo an toàn hoặc buộc di dời người và tài sản ra khỏi công trình nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
Cũng về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nhà xuống cấp uy hiếp đến tính mạng và tải sản của người dân. Nên trước tiên phải xác định trách nhiệm, ai là chủ sở hữu thì phải có trách nhiệm chăm lo đến tài sản của mình.
Có những căn hộ có tới 2-3 người làm chủ sở hữu hoặc có những nhà sập xệ nhưng nghèo quá không có tiền sửa chữa… những trường hợp này cần có sự can thiệp, giúp đỡ của chính quyền. Trường hợp những hộ nghèo quá, nhà sắp sập đến nơi rồi thì Chính phủ có thể giúp đỡ.
Phố cổ có rất nhiều nhà xuống cấp cần có chương trình cụ thể, nhà nào hư hỏng nhất, nguy hiểm nhất thì sửa trước. UBND phường cùng UBND quận cần phối hợp với các chuyên gia để xác định mức độ nguy hiểm của từng căn nhà.