Từ nay đến năm 2015, nhà chung cư sẽ chiếm 80% trong
các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP HCM. Trong đó, nhà cho thuê sẽ được chú
trọng phát triển với nhiều ưu đãi để chiếm 20% tổng số căn hộ.
Từ nay đến năm 2015, nhà chung cư sẽ chiếm 80% trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP HCM. Trong đó, nhà cho thuê sẽ được chú trọng phát triển với nhiều ưu đãi để chiếm 20% tổng số căn hộ.
Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, mỗi năm cả nước xây mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án nhà ở đô thị được dành cho người thuộc diện chính sách, người có thu nhập thấp và người nghèo.
Chương trình nhà ở xã hội tại các đô thị và hỗ trợ hộ nghèo tại nông thôn tiếp tục được triển khai trong nhiều năm tới. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 sẽ xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà xã hội tại đô thị để giải quyết cho người thu nhập thấp và sinh viên đại học.
Để xây dựng quỹ nhà xã hội, Nhà nước sẽ đầu tư xây chung cư cho thuê, thuê mua bằng ngân sách, đồng thời ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho thuê, nhà thu nhập thấp.
Nhà nước cũng sẽ đầu tư xây nhà công vụ để bố trí cho các cán bộ được điều động và hỗ trợ về tài chính thông qua các Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở để giúp cán bộ, công chức cải thiện nhà ở.
Công nhân khu công nghiệp được thuê nhà từ quỹ nhà do nhà nước đầu tư hoặc do doanh nghiệp sử dụng lao động, các tổ chức, cá nhân... xây dựng.
Nhà nước cũng đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên từ nguồn trái phiếu Chính phủ, và từng bước đưa ra cơ chế khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ gia đình xây nhà cho sinh viên thuê.
Theo Bộ Xây dựng, cơ cấu nhà ở tại khu vực đô thị hiện chưa hợp lý, tâm lý muốn sở hữu nhà ở, muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất còn phổ biến. Vì vậy tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở cả nước.
Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất nước đạt 16% trong khi đó TP HCM mới 6%; tỷ lệ số hộ dân đi thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ sở hữu nhà ở.
Để thực hiện các chỉ tiêu đặt ra, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp về đất đai như sửa đổi, bổ sung nội dung về giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, cơ chế tạo quỹ đất sạch... Quy hoạch trong đô thị phải xác định diện tích đất cho từng loại nhà ở như nhà xã hội, cho người thu nhập thấp, nhà ở thương mại.
Theo chiến lược, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 25 m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu 8 m2 sàn mỗi người. Đến năm 2030, bình quân nhà ở đạt 30 m2 sàn/người, diện tích ở tối thiểu 12 m2 sàn mỗi người.
(Theo VnExpress)