Hôm qua, theo yêu cầu của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Khôi, chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP đã đưa ra hạn cuối cùng cho việc trình bản quy hoạch chi tiết 1/500 và kế hoạch triển khai dự án trong năm 2008.
Hôm qua, theo yêu cầu của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Khôi, chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP đã đưa ra hạn cuối cùng cho việc trình bản quy hoạch chi tiết 1/500 và kế hoạch triển khai dự án trong năm 2008.
Theo cam kết của các chủ đầu tư với thành phố, tháng 3/2008 dự án cải tạo chung cư Khương Thượng sẽ trình bản quy hoạch chi tiết, tháng 4/2008 đến lượt dự án chung cư Ngọc Khánh. Tháng 5/2008 có ba dự án đồng loạt trình bản quy hoạch chi tiết Văn Chương, Thanh Xuân Bắc, Phương Mai, Thượng Đình, Giảng Võ và tháng 8/2008 là dự án Vĩnh Hồ.
Ông Khôi quy định, mỗi tháng thành phố sẽ giao ban với các chủ đầu tư và một lần để kiểm tra tiến độ dự án. Nếu dự án nào sau khi giao nhiệm vụ được 12 tháng mà chưa triển khai thì "đương nhiên" sẽ thu hồi lại, không cần chờ đợi chủ đầu tư giải trình lý do. Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất còn đề nghị, với các chủ đầu tư đã cam kết tiến độ thực hiện dự án với thành phố, nếu chậm ba tháng sẽ xem xét quyết định thu hồi.
Theo ông Khôi, sẽ chấm dứt chủ trương để các chủ đầu tư tự bù lỗ bằng việc khai thác nguồn lợi từ dự án, với các dự án nằm trong vùng hạn chế phát triển như Văn Chương, Giảng Võ... Các chủ đầu tư phải bù đắp vốn bằng các dự án khác năm ở vùng ngoài. Các dự án trong vùng hạn chế phát triển sẽ đảm bảo hai nguyên tắc, tái định cư tại chỗ toàn bộ các hộ dân và không phá vỡ quy hoạch chung của thủ đô.
Trước đây, chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ được khuyến khích khai thác từ tầng một làm dịch vụ và tăng số tầng, số phòng để kinh doanh, tạo nguồn thu bù vào phần vốn đầu tư. Nhưng theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, với các dự án nằm trong khu vực hạn chế phát triển thì không thể khai thác theo kiểu này. Theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt thì vùng hạn chế phát triển chỉ có khoảng 800.000 dân mới đảm bảo tỷ lệ trung bình 6 m2 một người, nhưng hiện tại các khu này tỷ lệ đã là 1,1 triệu người. Chỉ với việc tái định cư cho số hộ hiện tại đã là quá tải, chứ chưa nói đến chuyện mở rộng.
Một vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai dự án mà nhiều chủ đầu tư nêu ra trong cuộc họp là việc có quá nhiều chủ đầu tư cùng "nhảy" vào một dự án, như dự án cải tạo khu Giảng Võ, hiện có đến 13 chủ đầu tư cùng tiến hành. Việc này dẫn đến tình trạng chồng chéo trong việc phân cấp nhiệm vụ làm đến chậm tiến độ triển khai.
Công ty Sông Đà 909 cho biết gặp nhiều khó khăn trong vấn đề điều tra xã hội vì nhiều chủ hộ đã chuyển đi nơi khác và cho thuê lại, có những hộ đã đi nước ngoài. Riêng khu Vĩnh Hồ, nơi công ty đầu tư có khoảng 2000 hộ, công ty đã phải chia làm 6 tổ để thực hiện điều tra, nhưng tới nay sau hơn 2 tháng mới tiến hành điều tra được khoảng 20% số hộ.
Để giải quyết hai khó khăn này, thành phố đã quy định rõ, mọi dự án cải tạo chung cư đều tập trung vào một mối điều hành là Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất. Sở có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện, kiểm tra giám sát tiến độ và phối hợp với các Sở ban ngành khác của thành phố. Việc điều tra xã hội có thể thông qua phường, quận sở tại nhưng phải ghi rõ nguồn số liệu trong báo cáo.
Kiên Thành