Ban chỉ đạo PCLB TƯ thống kê lũ tại đồng bằng sông Cửu Long hiện làm 29 người chết và ra công điện số 38 về tình hình áp thấp nhiệt đới
Xem thêm toàn cảnh về tình hình bão lũ vừa qua
Theo Ban chỉ đạo PCLB TƯ, lũ tại đồng bằng sông Cửu Long hiện làm 29 người chết, trong đó An Giang 5 người; Đồng Tháp 9 người; Long An 4 người; Cần Thơ 6 người; Kiên Giang 5 người.
Lũ đồng bằng sông Cửu Long cũng làm 59.962 nhà bị ngập nước; Chiều dài quốc lộ, tỉnh lộ bị cuốn trôi, sạt lở 5.500m; Chiều dài đường quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập 61.180m.
Ngoài ra, thiệt hại do lũ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện làm 107 căn nhà bị ngập, hư hại (Khánh Hòa 3, Ninh Thuận 5; Đăk Nông 99); Tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại 1.108,4 ha và tổng diện tích hoa màu bị ngập, hư hại 331 ha.
Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo KTTV TƯ, lũ đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang lên chậm.
Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lũ đang lên; mực nước lúc 7 giờ sáng nay (11/10) là 2,73m, trên báo động 3 (BĐ3) 0,33m.
Dự báo trong những ngày tới lũ đầu nguồn sông Cửu Long ít biến đổi, vùng nội đồng ĐTM và TGLX tiếp tục lên sau biến đổi chậm và còn duy trì ở mức BĐ2-BĐ3 đến cuối tháng 10.
Đến ngày 15/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,8m (trên BĐ3: 0,3m), tại Châu Đốc ở mức 4,25m (trên BĐ3: 0,25m), tại các trạm chính vùng ĐTM và TGLX ở mức BĐ3, có nơi trên BĐ3.
Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên, đến ngày 15/10 ở mức 2,80m, trên BĐ3 0,40m.
Trong hôm nay, 11/10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 38 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Nội dung Công điện nêu rõ: Vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông hiện nay đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 7h sáng 11/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 360 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Đến 7h ngày 12/10, áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng khoảng 160km về phía Đông Bắc. Do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới với nhiễu động gió Đông trên cao, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía Nam Vĩ Tuyến 19 và phía Bắc Vĩ tuyến 15. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, các tỉnh chủ động cấm biển, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu đảm bảo an toàn.
Các địa phương chỉ đạo sẵn sàng triển khai phương án đối phó với tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, kho tàng và các công trình đang thi công; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Cùng ngày, Bộ Y tế có Công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình; các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc triển khai công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới.
Công điện nêu rõ: Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết, chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa bão, phát huy phương châm 4 tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão… và tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa bão, úng lụt, sạt lở đất và lốc xoáy gây ra.
Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Báo cáo nhanh số lượng trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, hóa chất dự trữ tại địa phương, đơn vị và kết quả triển khai công tác đối phó với áp thấp nhiệt đới về Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.
TH