Mới đây, tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần V nhiệm kỳ 2022 - 2027, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đã chỉ rõ những hệ lụy khi kiểm soát chặt chẽ quá mức dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.
|
Dòng vốn vào bất động sản hiện đang được kiểm soát chặt chẽ hơn trước. Ảnh minh họa |
Theo ông Lực, trong 20% tổng dư nợ dành cho bất động sản thì 65% là cho vay mua nhà để ở, 35% còn lại là cho vay kinh doanh bất động sản - dòng vốn này hiện đang được kiểm soát chặt chẽ hơn. Chuyên gia này cho biết, mức cho vay trung bình của khu vực gấp rưỡi Việt Nam. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển tín dụng cho lĩnh vực địa ốc, bao gồm cả tín dụng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chỉ rõ, 3 dòng vốn FDI, vốn tư nhân và vốn phát hành trái phiếu trước nay là những kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường bất động sản. Trong đó, vốn FDI tăng trưởng tích cực trong một thập kỷ qua, mức tăng trung bình từ 13 - 15%. Mức tăng trong 5 tháng đầu năm 2022 khá tốt với số vốn đăng ký cho bất động sản chiếm tới 26% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Trái phiếu doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp địa ốc phát hành rất ít trái phiếu. Điều này chứng tỏ thị trường đang có tâm lý thận trọng hơn. Trong 5 tháng qua, lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 32 - 33% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Lực cho rằng, nếu dòng vốn vào bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ quá mức sẽ tạo ra 4 hệ lụy. Thứ nhất, việc kiểm soát chặt chẽ vốn vào bất động sản sẽ giúp thị trường hạ nhiệt, chẳng hạn như giảm nhiệt các cơn sốt đất.
Thứ hai, thị trường sẽ thiếu nguồn cung ngày càng trầm trọng, giá bất động sản vì thế sẽ ngày càng tăng cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết cung - cầu trên thị trường.
Thứ ba, nhiều dự án bất động sản sẽ bị dở dang, gián đoạn do thiếu vốn, nợ xấu ngân hàng chắc chắn cũng sẽ tăng lên, trong khi chứng khoán sẽ giảm, làm chậm đà hồi phục của nền kinh tế.
Thứ tư, nếu dòng vốn vào bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ thái quá sẽ khiến doanh nghiệp lo lắng, thận trọng hơn và điều này sẽ dẫn đến trì hoãn triển khai các dự án tiếp theo.
Từ những phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực nhận định, việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản nên ở mức độ phù hợp, tránh kiểm soát kiểu làm tắc, làm nghẽn thị trường địa ốc.
Lam Giang (TH)
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2022/06/13/4-he-luy-khi-kiem-soat-thai-qua-dong-von-vao-bat-dong-san