Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ. Theo đó, hướng dẫn về quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ là một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này.
Nhà ở riêng lẻ là gì?
Khái niệm nhà ở riêng lẻ được nêu rõ trong Thông tư 07/2019/TT-BXD sửa đổi Thông tư 03/2016/TT-BXD có hiệu lực 01/01/2020 như sau:
"Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập."
Như vậy, nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây trên mảnh đất thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) trên chính mảnh đất đó.
Nhà ở riêng lẻ có thể là nhà ở độc lập, nhà ở biệt thự và nhà ở liền kề. Việc thiết kế, xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân theo những nguyên tắc, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành.
|
Nhà ở riêng lẻ được chia làm 6 cấp, gồm nhà biệt thự, nhà cấp 1, nhà cấp 2, nhà cấp 3, nhà cấp 4 và nhà tạm. Ảnh minh họa |
Những dẫn mới về xây dựng nhà ở riêng lẻ có hiệu lực từ 15/10/2021
Ngày 25/8/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
Thông tư 10/2021/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình, bảo trì công trình xây dựng. Thông tư áp dụng đối với cá nhân, tổ chức, cơ quan trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có liên quan đến quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng.
Hướng dẫn mới về quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ là một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này. Cụ thể, có 5 hướng dẫn mới về quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ như sau:
Thứ nhất, việc thiết kế xây dựng, thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và quy định khác có liên quan được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, các tổ chức thực hiện việc thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định tại các điểm b, c, Khoản 2 và điểm b, Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP phải có năng lực phù hợp với cấp công trình theo quy định tại Thông tư quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Theo đó, đối với nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình dưới 7 tầng hoặc có 1 tầng hầm (ngoại trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình không có tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m), việc thiết kế phải được cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
Với nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 2 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Việc thiết kế, thẩm tra thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng phải được cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
Thứ ba, nhà ở riêng lẻ phải được cấp giấy phép xây dựng, ngoại trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 được bổ sung, sửa đổi năm 2020.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định tại Điều 93, Luật Xây dựng năm 2014 được bổ sung, sửa đổi năm 2020.
Thứ tư, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc dự án đầu tư xây dựng, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác như dịch vụ, thương mại... phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.
>>> Xem thêm:
|
Với nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 2 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Ảnh minh họa |
Thứ năm, trường hợp chủ nhà chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ nhà ở riêng lẻ thực hiện như sau:
- Nếu việc chuyển đổi công năng sử dụng kèm theo việc cải tạo, sửa chữa công trình không thuộc trường hợp được miễn giấy phép quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 được bổ sung, sửa đổi năm 2020 thì chủ nhà phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật.
Việc thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình trong trường hợp này phải tuân thủ quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và phù hợp với công năng mới của công trình.
- Nếu việc chuyển đổi công năng sử dụng không kèm theo việc cải tạo, sửa chữa thì chủ nhà vẫn phải thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ, pháp luật về môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có).
Một số điểm mới khác của Thông tư 10/2021/TT-BXD
- Quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị nhập khẩu sử dụng cho thi công xây dựng công trình
Thông tư bổ sung thêm hình thức của chứng chỉ chứng minh xuất xứ. Cụ thể, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà sản xuất hoặc thương nhân phát hành, trong đó phải nêu rõ nhà sản xuất, chế tạo và nơi sản xuất, chế tạo.
- Công tác thí nghiệm trong quá trình thi công xây dựng
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ thiết kế, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, chỉ dẫn kỹ thuật và quy định của hợp đồng xây dựng để lập kế hoạch tổ chức thí nghiệm.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, chấp thuận kế hoạch tổ chức thí nghiệm do nhà thầu thi công xây dựng trình. Công tác thí nghiệm phải được thực hiện theo đúng kế hoạch tổ chức thí nghiệm đã được chủ đầu tư chấp thuận. Trường hợp điều chỉnh kế hoạch tổ chức thí nghiệm thì phải được chủ đầu tư chấp thuận trước khi tổ chức thực hiện.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi công xây dựng công trình
Chủ đầu tư và các nhà thầu được quyền thỏa thuận các nội dung sau:
- Lựa chọn ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin để quản lý thi công xây dựng công trình.
- Sử dụng định dạng tập tin điện tử đối với nhật ký thi công xây dựng công trình, biên bản nghiệm thu công việc xây dựng và sử dụng chữ ký số trên các tài liệu này theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Khi sử dụng biên bản nghiệm thu công việc xây dựng dạng tập tin điện tử thì việc nghiệm thu công việc xây dựng vẫn phải thực hiện tại công trường và đảm bảo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
- Chi phí đánh giá an toàn công trình
Chi phí đánh giá an toàn công trình là một thành phần thuộc chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng. Đối với công trình được đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật trên 08 năm kể từ ngày 15/10/2021, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình lần đầu trong thời gian không quá 24 tháng kể từ ngày 15/10/2021.
- Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình
Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình là một thành phần chi phí thuộc khoản mục chi phí khác và được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình, cụ thể:
- Dự toán chi phí này được lập căn cứ vào đặc điểm, tính chất của công trình; địa điểm xây dựng công trình; thời gian, số lượng cán bộ, chuyên gia (nếu có) tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu và khối lượng công việc phải thực hiện.
Đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chi phí này không vượt quá 20% chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình.
- Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng mời cá nhân, tổ chức có năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra, chủ đầu tư thực hiện ký hợp đồng và thanh toán theo quy định.
- Chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình gồm:
- Chi phí cho công tác phòng, chống cháy, nổ;
- Chi phí lập và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn;
- Chi phí trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
- Chi phí phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; chi phí tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động.
- Chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chi phí thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị; chi phí thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động;
Trên đây là những hướng dẫn mới liên quan đến lĩnh vực xây dựng nói chung và nhà ở riêng lẻ nói riêng được nêu rõ trong Thông tư 10/2021/TT-BXD. Kể từ ngày 15/10/2021, Thông tư 10/2021/TT-BXD chính thức có hiệu lực thi hành.
Lam Giang (TH)