Nhiều tỉnh thành sau khi cấp đất lại phải lo đi “đòi” tiền sử dụng đất của doanh nghiệp, một công việc được ví như “thả gà ra đuổi”
Nhiều tỉnh thành sau khi cấp đất lại phải lo đi “đòi” tiền sử dụng đất của doanh nghiệp, một công việc được ví như “thả gà ra đuổi”
Trước áp lực thu hút đầu tư, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã mạnh tay cấp đất, giao dự án có sử dụng đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lại không “mặn mà” lắm với việc đóng tiền sử dụng đất, điều kiện quan trọng để được sử dụng đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, nhiều tỉnh thành sau khi cấp đất lại phải lo đi “đòi” tiền sử dụng đất của doanh nghiệp, một công việc được ví như “thả gà ra đuổi”.
Nợ tràn lan…
Cuối năm 2010, dư luận từng xôn xao khi Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 2931/KL-TTCP về tình hình vi phạm trong quản lý đất đai tại Bắc Ninh. Điều đáng nói là, bên cạnh một số sai phạm trong quản lý chung, vấn đề nổi cộm của Bắc Ninh chính là tình trạng các doanh nghiệp không chịu hoàn tất nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất.
Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Ninh, tính đến cuối năm 2010, Công ty Đại Hoàng Long, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Nam Võ Cường còn nợ đọng tiền sử dụng đất là hơn 29 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Tây Hồ, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Quế Võ nợ hơn 47 tỷ đồng; Công ty Đại Dương, chủ đầu tư dự án khu nhà ở Nguyễn Quyền nợ đọng hơn 85 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Địa ốc An Huy, chủ đầu tư dự án khu nhà ở đường Kinh Dương Vương, thành phố Bắc Ninh, nợ đọng hơn 69 tỷ đồng.
Không chỉ ở các dự án giao đất thông thường, tình trạng nợ đọng cũng diễn ra đối với các dự án giao đất thông qua đấu giá. Tổng cộng, các chủ đầu tư các dự án giao đất ở thông qua đấu giá trên địa bàn tỉnh còn nợ tiền sử dụng đất gần 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đối với các dự án mà chủ đầu tư phải nộp tiền thuê đất cũng diễn ra tình trạng nợ.
"Cây gậy" có đủ mạnh?
Mới đây, tỉnh Bắc Ninh đã phải có văn bản đôn đốc các cơ quan chức năng vào cuộc rốt ráo để “thu đúng thu đủ” các khoản nợ này.
Theo văn bản của tỉnh, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có sai phạm phải nhận thức rõ trách nhiệm về các sai phạm của mình, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự giác thực hiện dứt điểm các kiến nghị trong Kết luận thanh tra đã chỉ ra.
Tỉnh này cũng sẽ xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân có sai phạm; tiến hành thu hồi triệt để, dứt điểm số tiền nợ đọng và số tiền sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.
Đáng chú ý là, các dự án giao đất, thuê đất chậm đưa vào sử dụng kiên quyết lập kế hoạch xử lý, nếu không có khả năng triển khai phải kiên quyết thu hồi. Nếu dự án đề nghị tiếp tục thực hiện thì chủ đầu tư phải có dự án, cam kết thời gian hoàn thành và tiến hành ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo đúng quy định.
Đối với dự án nợ đọng tiền sử dụng đất, sẽ kiên quyết thu hồi triệt để. Nếu không nộp đủ đúng quy định phải tiến hành các biện pháp phong tỏa tài khoản, hoặc thu dự án hoặc một phần dự án và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.
Các công trình công cộng trong dự án khu đô thị phải lập dự án xây dựng xong trước 30/12/2010 và triển khai xây dựng trước tháng 6/2011, nếu không thực hiện đúng thì thu hồi và chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp có năng lực để xây dựng, văn bản nêu rõ.
Có thể thấy Bắc Ninh đang rất quyết tâm trong vấn đề xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế các công việc này có được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hay không thì vẫn còn là một câu hỏi.
Áp lực về việc hài hòa giữa giữ vững kỷ cương phép nước trong lĩnh vực đất đai và giải quyết hợp lý các vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp là chuyện không dễ dàng trong trường hợp này.
(Theo vneconomy)