Khu vực số 2 Bắc Sơn và 1B Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) đang bị công nhân xây dựng đào xới để bê tông hóa làm bãi đỗ xe, có chỗ được đào sâu hơn 1 m để làm bể nước. Đây vốn là khu C của Hoàng thành Thăng Long đã được quy hoạch để nghiên cứu khảo cổ học, nghiêm cấm xây dựng.
Khu vực số 2 Bắc Sơn và 1B Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) đang bị công nhân xây dựng đào xới để bê tông hóa làm bãi đỗ xe, có chỗ được đào sâu hơn 1 m để làm bể nước. Đây vốn là khu C của Hoàng thành Thăng Long đã được quy hoạch để nghiên cứu khảo cổ học, nghiêm cấm xây dựng.
Theo TS Bùi Minh Trí, Thư ký dự án Hoàng thành Thăng Long, ngày 8/5, đơn vị xây dựng do Cục Quản trị (Văn phòng Quốc hội) điều động bắt đầu đưa máy móc vào đào xới khu C. Diện tích đào rộng hàng trăm m2, có chỗ sâu hơn 1 m và lắp đặt cống thoát nước, đường dây điện, đổ sân bê tông kiên cố xung quanh hố khai quật... Trước đó, khu vực này đã được làm bãi để xe tạm của Cục Quản trị, không được bê tông hóa.
Đơn vị chủ quản công trình xây dựng đã không trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý chuyên ngành là Viện Khảo cổ.
"Chúng tôi không được thông báo, không biết thực tế ở đó sẽ mọc lên công trình gì. Chỉ biết việc thi công hiện làm tổn hại đến di vật dưới lòng đất. Tại khu C này vốn đã phát hiện nhiều di vật, chỉ cần đào từ 80 cm đến 1 m là chạm tới di sản ", ông Trí bức xúc.
Theo ông Trí, nếu bê tông hóa bãi đỗ xe ở đây thì gây khó khăn cho công tác khảo cổ và gây lãng phí sau này. Bởi khi khai quật, công nhân sẽ vận chuyển đất đá và đào xới, phải phá bỏ toàn bộ hạng mục đã xây dựng. Theo dự kiến, khu C sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, khai quật vào năm 2007 để hoàn tất hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2010.
Ngay sau khi phát hiện việc xâm phạm, Viện Khảo cổ đã gửi văn bản lên Văn phòng Quốc hội kiến nghị chỉ đạo Cục Quản trị tạm dừng thi công, đồng thời gửi tới Bộ Văn hóa thông tin, UBND thành phố Hà Nội có ý kiến chỉ đạo đình chỉ việc xây dựng.
Từ năm 2003, các khu A, B, D và một phần khu C đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình giải tỏa và bàn giao mặt bằng cho Viện Khảo cổ để triển khai công tác khai quật khảo cổ tại đây. Riêng khu C (bao gồm số 2 Bắc Sơn và 1B Hoàng Văn Thụ) chậm giải tỏa nên diện tích khoảng 4.000 m2 chưa được bàn giao.
Năm 2004, sau khi Ban quản lý dự án giải tỏa xong khu đất này, Cục Quản trị đã đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cho mượn đất để làm nơi để ôtô. Theo biên bản bàn giao thì Cục Quản trị chỉ mượn và tạm thời quản lý mặt bằng khu đất này đến khi có ý kiến chỉ đạo mới của Chính phủ và được quyền sử dụng tạm vào mục đích làm bãi để ôtô.
Ông Đỗ Kim Sơ, Cục trưởng Cục Quản trị, cho biết, diện tích khoảng 4.000 m2 sẽ được xây dựng làm bãi để xe để phục vụ các đại biểu họp tại Hội trường Ba Đình. Trong đó, có một bể nước sâu 90 cm và cao 60m.
Theo ông Sơ, khu vực này trước đây có nhiều nhà dân, khu tập thể nên có nhiều công trình còn xâm chiếm lòng đất sâu hơn bãi đỗ xe hiện nay. Từ khi đào xới đến nay, công nhân chưa tìm thấy di vật gì, nên không làm ảnh hưởng tới di tích.
Khi đề cập tới việc cần trao đổi với Viện Khảo cổ, ông Sơ thẳng thừng: "Họ không phải là cấp trên của tôi nên không cần hỏi ý kiến". Đơn vị thi công vẫn tiếp tục thực hiện các hạng mục xây dựng.
Hiện chưa có ý kiến phản hồi từ phía Văn phòng quốc hội, Bộ Văn hóa thông tin. Sáng nay, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Ba Đình cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra, giải quyết sự việc, báo cáo thành phố trước 20/5.
Chính phủ đã chính thức giao cho UBND TP Hà Nội và Bộ VHTT phối hợp với Viện KHXH VN và các cơ quan chức năng nghiên cứu quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di tích Hoàng thành Thăng Long, bao gồm toàn bộ Lô D (khu A, B, C, D) và khu thành cổ Hà Nội để xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận khu di tích này là Di sản văn hoá thế giới vào năm 2010.
Sự kiện này cũng đồng nghĩa là toàn bộ các khu vực nói trên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng, không xâm phạm và không được xây dựng các công trình mới. Đây cũng là quy định của Luật Di sản văn hoá VN và công ước quốc tế về bảo tồn di sản nhân loại. |
(Theo VnExpress)