Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng TP.HCM, từ 1998 đến 2010, thành phố đã và đang triển khai thực hiện 1.093 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng chi phí bồi thường là 82.170 tỷ đồng.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng TP.HCM, từ 1998 đến 2010, thành phố đã và đang triển khai thực hiện 1.093 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng chi phí bồi thường là 82.170 tỷ đồng.
Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 165.176 hộ, trong đó số hộ tự lo nơi ở mới là 34.237 hộ và số hộ yêu cầu tái định cư là 61.777 hộ. Đến nay đã hoàn thành 902 dự án và đã bố trí tái định cư 23.531 hộ, còn lại 191 dự án dở dang gồm 38.246 hộ.
Quỹ nhà tái định cư hiện có (đã hoàn thành) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tái định cư của các dự án trọng điểm. Một số trường hợp, dù quỹ nhà vẫn đang chờ quận huyện bố trí tái định cư nhưng không thể cân đối cho các dự án khác do nhiều nguyên nhân như: Vị trí không phù hợp, người dân không đồng ý. Từ đó dẫn đến một số khu vực thiếu quỹ nhà cục bộ tại các quận có nhiều dự án trọng điểm như: quận 1, 2, 5, 6, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Thực tế, các dự án triển khai giải tỏa tập trung là ở các quận nội thành như quận 1, 4, 5 nên cho dù có quỹ nhà tái định cư tại các quận ven cũng không điều chuyển cân đối và việc điều chuyển đó có nhiều trường hợp đã gây phản ứng ở một số hộ dân do phải di dời xa nơi ở cũ.
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định rõ: Trước khi triển khai thực hiện dự án các đơn vị đầu tư phải chuẩn bị trước quỹ nhà tái định cư. Nhưng hiện nay chủ đầu tư các dự án đều bị động, không thể chuẩn bị trước được quỹ nhà này.
Tốc độ giải phóng mặt bằng và tái định cư của một số dự án như khu công nghệ cao, khu công viên Văn hóa Dân tộc, dự án đường cao tốc Long Thành- Dầu Giây và khu tái định cư Man Thiện thực hiện còn chậm. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND Quận 9 cho biết: Hiện nay, trên địa bàn quận 9 đã và đang triển khai 111 dự án với 5.076 hộ dân cần phải bố trí tái định cư trong đó: 3.775 hộ bố trí bằng nền đất và 1.301 hộ bố trí bằng căn hộ chung cư. Đa số các hộ dân đã quen tập quán sống nơi cư trú cũ và do số tiền bồi thường ít do diện tích giải tỏa nhỏ nên sau khi nhận nền tái định cư thì không đủ tiền để xây dựng dẫn đến tình trạng sang nhượng nền tái định cư và nhiều nền đất tái định cư bỏ trống không xây dựng. Đồng thời xảy ra tình trạng sang nhượng nền tái định cư để tìm mua khu đất khác phù hợp với khả năng tài chính để xây dựng nhà ở. Về nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ đôi lúc chưa đáp ứng kịp thời nên việc chi trả cho các hộ dân tại một số dự án trọng điểm còn chậm sau khi ban hành quyết định bồi thường, hổ trợ.
Qua nghiên cứu thực trạng đời sống kinh tế xã hội các hộ gia đình sau tái định cư của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, đời sống của người dân sau tái định cư gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống về nhiều mặt: việc làm, thu nhập, học hành của con em các hộ gia đình, việc học nghề của đa số người dân tái định cư... Nguyên nhân là do các dự án, các chương trình tái định cư chỉ mới quan tâm chăm lo cho vấn đề nhà ở của người dân mà chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, đại diện của Sở Lao Động Thưong Binh Xã Hội TP.HCM kiêm tổ trưởng Quỹ 156 (quỹ hỗ trợ việc làm đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất) boăn khoăn: Hiện, quận 9 có 1.387 hộ có nhu cầu vay vốn để chuyển đổi nghề và đào tạo nghề, số vốn lên đến 77 tỷ đồng nhưng chưa thể đáp ứng được vì thiếu tiền hỗ trợ.
Ông Dương Minh Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết: Cuộc sống của người dân tái định cư không ổn định khi công ăn việc làm không có, tâm lý nhiều người dân chưa ổn định, chưa quen với nơi ở mới. Theo ông Quang, có 15% hộ tái định cư là hộ có thu nhập kinh tế khá và 45% hộ có đời sống ổn định và 35% khó khăn sau khi bị thu hồi đất.
Ngoài vấn đề đời sống người dân không ổn định, ông Hùynh Công Hùng, Phó Ban kinh tế – Ngân sách HĐND cũng quan ngại về chất lượng các khu tái định cư, đó là dân chưa vào ở do hạ tầng xã hội chưa có, chất lượng các công trình còn nhiều bất ổn. Chính vì thế mới phát sinh việc bán xuất tái định cư, người dân có nhà vẫn không dám vào ở.
(Theo TTVH)