"Nhiều bảo tàng còn chưa được khai thác, sử dụng hết, gây lãng phí lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, cần phải cân nhắc thời điểm đầu tư..." – KTS Đào Ngọc Nghiêm.
"Nhiều bảo tàng còn chưa được khai thác, sử dụng hết, gây lãng phí lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, cần phải cân nhắc thời điểm đầu tư..." – KTS Đào Ngọc Nghiêm.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần thiết và đã nằm trong quy hoạch chung. Tuy nhiên ông Nghiêm cũng khuyến cáo các đơn vị cần rút kinh nghiệm từ những bảo tàng đang "ế ẩm" và khuôn viên bị sử dụng sai mục đích hiện nay.
- Với nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khi hoàn thành dự kiến sẽ trở thành một bảo tàng hoành tráng bậc nhất. Bảo tàng này nằm trong quy hoạch từ thời điểm nào, địa điểm đặt tại khu vực Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội) có phù hợp với quy hoạch kiến trúc không, thưa ông?
Trước tiên cần khẳng định Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia đã xuất hiện trên bản đồ quy hoạch ngay từ năm 1998. Trong các lần quy hoạch tiếp theo Hà Nội cũng đều nhắc đến bảo tàng tầm cỡ này. Đây được coi là bảo tàng chung nhất của Quốc gia. Công trình được xây dựng không chỉ nhằm mục đích lưu giữ, thể hiện các giai đoạn lịch sử của dân tộc bằng các hiện vật lịch sử, mà còn góp phần giáo dục lí tưởng, đạo đức lối sống cho các thể hệ trẻ.
Trong quá khứ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phải thay đổi địa điểm nhiều lần. Nhưng lần này, việc đặt bảo tàng tại khu vực Tây Hồ Tây tôi cho rằng địa điểm này hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chung. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tạo nên một kiến trúc tổng thể trong chuỗi các công trình khác như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Cung thể thao...
- Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây dựng trong bối cảnh nhiều bảo tàng còn chưa sử dụng hết công năng. Với nguồn kinh phí đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, nhiều người cho rằng đó là một sự lãng phí. Ông quan niệm sao về vấn đề này?
Như tôi đã nói bảo tàng này là cần thiết và đã nằm trong quy hoạch. Ngay từ năm 2007 các đơn vị đã tổ chức thi mẫu thiết kế, trưng cầu ý kiến người dân. Bảo tàng này mang tầm cỡ Quốc gia, vì vậy vốn đầu tư có lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cũng không có gì phải ngạc nhiên.
Trước đó đã có nhiều bảo tàng được xây dựng, nhưng chỉ là những bảo tàng mang tính chuyên ngành. Còn công trình tới đây là bảo tàng chung chứ không thuộc một lĩnh vực riêng lẻ nào.
Tôi được biết hiện nay vẫn còn nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử mới cần được trưng bày. Đặc biệt sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long, các chuyên gia đã khám phá ra nhiều tư liệu mới, vì thế rất cần có một bảo tàng chung để xác định được lịch sử truyền thống, cũng như lịch sử của từng ngành.
- Nhưng trên thực tế nhiều bảo tàng hiện nay không những chưa sử dụng hết công năng, sử dụng sai mục đích?
Đúng là nhiều bảo tàng hiện nay đang tồn tại thực tế đó. Bảo tàng Hà Nội được xây dựng gấp gáp, lại không có kế hoạch trưng bày cụ thể, bây giờ đang còn quá nhiều chỗ trống. Hay nhiều diện tích trong Bảo tàng Lịch sử thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ hiện nay đang được cho thuê làm quán cà phê. Tương tự một số bảo tàng khác cũng đang được sử dụng cho thuê sai mục đích như làm quán bia, cửa hàng ăn uống...
Những bảo tàng chưa phát huy hiệu quả như vậy cần phải rà soát lại để sử dụng hết công năng. Còn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nếu không muốn bị lãng phí, trước khi triển khai cũng cần phải cân nhắc thời điểm đầu tư và công tác chuẩn bị.
- Đây đã là thời điểm hợp lý để triển khai công trình này chưa, thưa ông?
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay, các đơn vị thực hiện, cụ thể là Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần thận trọng, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Nhìn vào một số bảo tàng đã triển khai trước đó sẽ thấy thời điểm đầu tư và công tác chuẩn bị sẽ là một thách thức lớn.
Đơn cử như Bảo tàng Hà Nội được triển khai rất nhanh nhưng lại rất lúng túng về quy trình và dây chuyền bảo tồn dẫn đến thực trạng nhiều khu vực trong bảo tàng còn bỏ trống, chưa được khai thác triệt để. Nguyên nhân chỉ tại khi xây dựng Bảo tàng, Hà Nội chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể.
Vì thế trước khi xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần có sự trao đổi kỹ càng, trên cơ sở đó có sự thống nhất về quy trình và nội dung trưng bày. Nghĩa là bảo tàng được xây dựng đến đâu sẽ phải có kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các hiện vật để trưng bày đến đó. Như vậy chúng ta mới tránh được sự lãng phí và có thể khai thác một cách hiệu quả.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Infonet)