Sau khi Quần thể di tích cố đô Huế được vinh danh là Di sản thế giới,
điều quan trọng nhất là xây dựng được một chiến lược phù hợp để bảo tồn
và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được thừa nhận.
Sau khi Quần thể di tích cố đô Huế được vinh danh là Di sản thế giới, điều quan trọng nhất là xây dựng được một chiến lược phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được thừa nhận.
Chiến lược đó đã được thực hiện bằng Dự án “Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 105/TTg ngày 12/2/1996.
Tài sản vô giá để phát triển du lịch
Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa... Nhờ vậy, trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.
Cơ sở hạ tầng các khu di tích như hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực: Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung An Định... được tu bổ hoàn nguyên.
Điều quan trọng là, các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.
Việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Các nghề đúc đồng, sơn thếp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm diều Huế, may áo dài, chằm nón lá, tôm chua, nghệ thuật ẩm thực, ca Huế… đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu của ngành du lịch.
Những cơ hội và thách thức mới
Cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế cũng đang đứng trước những cơ hội mới cùng những thách thức mới.
Hoạt động lễ hội được tổ chức hằng năm là cơ hội lớn để cố đô phô bày, trình diễn vẻ đẹp phong phú, giàu có về văn hóa của mình. Và đây cũng chính là cơ hội để Huế kêu gọi sự hợp tác, đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống.
Chỉ tính riêng trong 2 năm 2006-2007, giá trị các dự án hợp tác quốc tế đầu tư cho công cuộc bảo tồn di sản Huế đã lớn hơn tổng giá trị các dự án của tất cả các năm trước đó.
“Con đường di sản” với sự nối kết từ Hội An-Mỹ Sơn-Huế đến Phong Nha-Kẻ Bàng hay “Hành lang kinh tế Đông-Tây” kết nối từ Miến Điện-Thái Lan-Lào đến Việt Nam đã đưa miền Trung trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam.
Cùng với đó, những thách thức trong việc đầu tư tương xứng để bảo tồn di sản Huế với một quần thể di tích đồ sộ, những di sản văn hóa phi vật thể phong phú và một môi trường cảnh quan rộng lớn gắn bó hữu cơ với đô thị Huế đang lộ diện ngày một rõ nét. Đi cùng với đó là yêu cầu về một cơ chế quản lý, đầu tư đặc thù và hết lức linh hoạt để có thể phát huy di sản Huế một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra còn có thách thức về nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn riêng có trong sự so sánh với các di sản khác cũng như các nước trong khu vực.
Cuối cùng là giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đây là vấn đề trung tâm, là thách thức to lớn nhất đối với di sản Huế trong bối cảnh mới, đòi hỏi phải có một sự nhận thức đúng đắn trong toàn thể cộng đồng về di sản Huế. Cụ thể cần có một đường lối chiến lược đúng đắn cùng những sách lược linh hoạt của lãnh đạo địa phương, nỗ lực của đơn vị được trực tiếp giao phó việc quản lý khu di sản Huế, và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng là một yêu cầu không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập cùng thế giới.
Một số công trình tiêu biểu đã được trùng tu gồm: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Cấm Thành), Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, các cổng Kinh Thành...
|
Theo Chinhphu.vn