Nguyễn Đình Nam, giảng viên trẻ của một trường đại học ở Hà Nội thấy mình hoàn toàn bất lực khi chuẩn bị cho đám cưới vào tháng tới. Lý do, anh không thể mua nhà, dù thu nhập hằng tháng khoảng 10 triệu đồng, một mức tương đối ở thủ đô.
Nguyễn Đình Nam, giảng viên trẻ của một trường đại học ở Hà Nội thấy mình hoàn toàn bất lực khi chuẩn bị cho đám cưới vào tháng tới. Lý do, anh không thể mua nhà, dù thu nhập hằng tháng khoảng 10 triệu đồng, một mức tương đối ở thủ đô.
Nam kể, bất kỳ khu chung cư nào đang xây dựng ở Hà Nội mà anh tìm hiểu đều có giá quá đắt. Ví dụ, khu đô thị Đông Nam gồm 748 căn hộ do Vinaconex đầu tư trên tuyến Trần Duy Hưng có giá gốc trung bình khoảng 26 triệu đồng một m2. Với căn hộ có diện tích trung bình từ 150 đến 300 m2, Nam nói, anh sẽ phải trả từ 3,9 đến 7,8 tỷ đồng, một số tiền mà anh không bao giờ có.
Tìm đến toà nhà nhỏ hơn ở Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy cao 15 tầng, cũng do Vinaconex làm chủ đầu tư. Giá gốc của các căn hộ có diện tích từ 88 đến 110 m2 tại khu chung cư này cũng lên tới 18 triệu đồng một m2. Giá rẻ hơn, nhưng toàn bộ các căn hộ này đã bán hết, dù thời gian hoàn thành dự kiến vào quý 2 năm tới.
Nam và bạn gái đã rất gian khổ khi lùng sục mua nhà suốt từ giữa năm nay để chuẩn bị cho đám cưới. Nhưng khi chuẩn bị đến ngày quan trọng, Nam nói, có lẽ anh và vợ sẽ phải về ở chung nhà với bố mẹ bên Gia Lâm, nơi ba người anh ruột của Nam cũng đang sống cùng gia đình riêng.
Sự bất lực của Nam và vợ là câu chuyện chung cho gần 300.000 cặp vợ chồng trẻ khi kết hôn ở Việt Nam hằng năm. Chính sách đất đai nói chung, và sự hứng khởi của các công ty bất động sản đang theo đuổi lợi nhuận đã bỏ qua nhu cầu của một lượng lớn người tiêu dùng có thu nhập trung bình như họ. Kết cục là, phần lớn các cặp mới cưới cảm thấy vô vọng để có một căn hộ riêng.
Tại Hà Nội, hiện trong tổng số 63 dự án khu chung cư đang xây dựng ở thủ đô, chỉ vỏn vẹn có ba dự án có mức giá dưới 12 triệu đồng một m2, nằm ở các quận ven đô là Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Phần lớn số còn lại đều là chung cư hạng sang và cao cấp với mức giá từ gần 30 triệu đến gần 40 triệu đồng một m2. Những căn hộ chất lượng trung bình cũng có mức giá tới khoảng 20 triệu đồng, nằm ngoài tầm với của những người có thu nhập trung bình trong xã hội.
Ông Renato Shordon, phụ trách phòng tư vấn và nghiên cứu của công ty CBRE nói, phần lớn người dân Việt Nam chỉ có thể mua chung cư với giá dưới 1.000 USD một m2 (tương đương 16 triệu đồng). "Nhiều công ty phát triển bất động sản nói không thể bán ở mức giá này, nếu tính chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng… và thế là họ xây các chung cư cao cấp", ông Shordon nói.
Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Softres, Ralf Matthaes, nhận xét, hầu hết những người làm công ăn lương ở Việt Nam, dù có thu nhập trung bình từ 300 đến 500 USD một tháng không thể mua được nhà ở. Những người này, ông nói, thậm chí có vay tiền để mua nhà thì cũng rất khó trả. "Tôi thấy ít có công ty xây dựng những ngôi nhà vừa túi tiền cho tầng lớp này, họ chỉ thích xây những ngôi nhà cao tầng đắt đỏ mà phần lớn người dân Việt Nam không thể mua được. Thế là khi nhiều ngôi nhà sang trọng xây xong, rất ít người chuyển đến ở trong đó", ông Matthaes nói.
Thực tế này được chứng minh khi Bộ Tài chính tiến hành khảo sát gần đây. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ căn hộ đã có chủ nhưng chưa có người ở tại một số chung cư ở Hà Nội dao động khoảng 40-70%. Con số này khẳng định chuyện đầu cơ đã đáng báo động như thế nào. Trong khi đó, những tầng lớp giàu có trong xã hội đã đăng ký đa phần các căn hộ của hai khu chung cư sang nhất Hà Nội là Keangnam, Vincom hay Golden Westlake...
Gần đây, Bộ Xây dựng đã xin Chính phủ 49.000 tỷ đồng để xây 184.000 căn hộ nhằm đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà tại khu vực đô thị trong giai đoạn 2009 - 2015. Chương trình này còn phải chờ phê duyệt trong khi, theo CBRE, giá các căn hộ ở Hà Nội đã giảm từ 7 đến 10% so với mức đỉnh điểm trước Tết. Nhưng dù vậy, với nhiều người đang có nhu cầu thực sự như trường hợp Nam, mức giá đó vẫn là quá cao.
(Theo SGTT)