Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có kiến nghị Sở GTVT Hà Nội về việc kéo dài hoạt động của bến xe Lương Yên.
> Bến xe Lương Yên ngừng hoạt động để xây tòa nhà
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết hiệp hội này đã có văn bản kiến nghị gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội về việc kéo dài hoạt động của bến xe Lương Yên sau khi có thông tin Công ty Lương thực Lương Yên đề nghị chấm dứt hoạt động của bến xe này để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc xây dựng công trình hỗn hợp.
Theo đó, Hiệp hội vận tải Hà Nội thừa nhận, bến xe Lương Yên phải di dời là đúng quy định, tuy nhiên, việc di dời bến xe nên có lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian thực hiện và Sở GTVT Hà Nội có thời gian sắp xếp xe sang các bến khác.
Trước tình huống này, các doanh nghiệp vận tải cần thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật: khảo sát chọn bến xe, hiệp thương giờ xuất bến cho phù hợp với lộ trình bến đến, xây dựng phương án SX-KD, làm thủ tục đăng ký với Sở GTVT, xây dựng giá thành vận tải để đăng ký giá cước vận tải, in vé, cấp vé cho các bến xe, xin cấp phù hiệu tuyến cố định và sổ nhật trình, hướng dẫn lái xe quen lộ trình. Với hành khách, cần phải thông báo rộng rãi cho nhân dân biết... Vì vậy, nếu thực hiện đóng bến từ 1/7 rõ ràng các nhà xe trở thì xe trở tay không kịp.
“Khi mới thành lập bến xe thì họ mời chào các doanh nghiệp và khách vào bến, lúc đóng bến thì đột ngột, không nhẽ phải dùng đến biện pháp cưỡng chế thu hồi đất, để xe chạy dù vòng vo đón khách”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc.
Giám đốc hãng xe Đất Cảng (Hải Phòng) cũng chỉ ra những hệ lụy khác: "Việc dừng hoạt động của bến xe Lương Yên là làm khó các doanh nghiệp vận tải, vì đã từ lâu các doanh nghiệp vận tải đã quen với lộ trình chạy xe này rồi. Bây giờ thay đổi phải làm quen, sắp xếp sao cho hợp lý, tránh tình trạng chạy xe từ bến Lương Yên sang bên khác, gây tình trạng tranh giành khách. Tôi sợ điều đó sẽ xảy ra khi các bến xe tiếp nhận thêm các xe chạy bến Lương Yên. Chỉ còn chưa đây một tháng, mà đến bây giờ chúng tôi cũng chưa được phép phân bổ chạy lộ trình mới”.
Trước tình thế trên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội hiệp thương với Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Công ty Lương thực Lương Yên kéo dài hoạt động của bến xe Lương Yên. Hơn nữa, diện tích bến tạm hiện nay nằm ở phía Bắc khu đất 5.000m2 được quy hoạch làm bãi đỗ xe cao tầng, không ảnh hưởng đến mặt bằng 14.228m2 ở phía Nam để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng được thực hiện trong giai đoạn I.
Trước đề xuất này của giới vận tải, ông Trần Ngọc Thiều, Giám đốc Công ty Lương thực Lương Yên, đơn vị chủ quản bến xe cũng thừa nhận: Bến xe Lương Yên là bến xe hoạt động hiệu quả và là kiểu mẫu của các bến xe ở TP Hà Nội vì sự văn minh, lịch sự, như thành lập đội xe ôm tự quản để tránh tình trạng lôi kéo khách, cò mồi... “Chạy” quy hoạch tòa cao ốc hỗn hợp, công ty đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cho bến tạm mới, dù diện tích đã bị thu hẹp còn khoảng 5.000m2/12.000m2.
Tuy nhiên, với quyết định mới của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, thì ngay cả bến tạm Lương Yên cũng phải di dời. Khoản tiền đầu tư 10 tỷ đồng bỗng coi như “trôi ra sông, ra biển”.
Bến xe Lương Yên đã có tới 320 đầu xe tham gia vận chuyển khách mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách của tuyến phía Đông và một phần tuyến phía Bắc Hà Nội. Về vị trí, bến xe Lương Yên được coi là đắc địa cho các lộ trình Hà Nội đi các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh... Thị phần này, nếu phải sang bến Gia Lâm, xuống Giáp Bát hay lên Mỹ Đình, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp vận tải. Nếu các cơ quan hữu trách không có phương án xử lý phù hợp, một “cuộc chiến” phức tạp là điều có thể nhìn thấy trước.
Theo thông tin mới nhất từ Công ty Lương thực Lương Yên vào chiều ngày 12/6, để tạo điều kiện cho nhà xe tìm bến mới, nhiều khả năng các cơ quan có thẩm quyền sẽ cho phép bến xe Lương Yên tiếp tục hoạt động ổn định đến hết quý III năm nay. |
(Theo PLVN)