Sau năm 1954, cả nước có khoảng gần 4.000 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Đến nay hàng nghìn biệt thự đã “tan hoang” theo thời gian, tương ứng với hàng chục triệu USD bị lãng phí. Nhiều nơi, biệt thự dành cho hàng chục hộ ở.
Sau năm 1954, cả nước có khoảng gần 4.000 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Đến nay hàng nghìn biệt thự đã “tan hoang” theo thời gian, tương ứng với hàng chục triệu USD bị lãng phí. Nhiều nơi, biệt thự dành cho hàng chục hộ ở.
Tại Hà Nội, phần lớn các biệt thự được bố trí cho nhiều hộ ở, diện tích bình quân 5-6 m2/người rất phổ biến, thậm chí có nơi chỉ 3,5 m2/người. Biệt thự số 70 Quán Sứ bị cơi nới, biệt thự số 69 Trần Quốc Toản sân vườn biến thành nhà ở, biệt thự số 91 Tuệ Tĩnh mái ngói, trần vôi rơm bị hư hỏng nặng.
Cùng tình trạng, 88 trong số 191 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước ở Đà Lạt một thời gian dài chứa đến 503 hộ sinh sống, bình quân mỗi biệt thự có 6 hộ cư ngụ. Những ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp độc đáo bị con người ngăn cắt, cơi nới, làm biến dạng đến mức sự hiện diện của chúng từng bị cho là làm xấu Đà Lạt.
“Do sử dụng sai mục đích, điều kiện sinh hoạt quá chật chội nên người ở trong các biệt thự đã tự sửa chữa, cải tạo và xây dựng bừa bãi và là nguyên nhân phát sinh những tranh chấp khiếu kiện, nhất là việc tranh chấp sử dụng những diện tích chung trong các biệt thự”, ông Vũ Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý nhà, Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, nhận xét.
Còn ở TP HCM, nơi chiếm phần lớn quỹ biệt thự công toàn quốc (với 2.700 biệt thự), tình trạng cải tạo, cơi nới, xây dựng lại chiếm tới 70% số biệt thự hiện có. Hầu hết trường hợp không có giấy phép xây dựng, nhất là các biệt thự có nhiều hộ gia đình ở và biệt thự giáp mặt đường.
Một chuyên viên Cục Quản lý nhà ngậm ngùi: “Tại một số biệt thự, người ta còn sử dụng nhà của mình để kinh doanh karaoke. Hiện số biệt thự còn được giữ nguyên kiến trúc, hình dáng ban đầu ở cả Hà Nội và TP HCM chỉ còn khoảng 556 biệt thự, số còn lại hầu như đã bị biến dạng, trở thành nhà phố, thậm chí nhiều biệt thự biến thành các khu nhà ở công cộng, chật chội không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu”.
Không người quản lý
Cho đến trước khi Luật Nhà ở và Nghị định hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực thi hành năm 2006, hàng chục năm trời có khoảng 20 triệu mét vuông quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (trong đó có biệt thự công) không bị điều tiết bởi Luật Dân sự.
“Vì vậy không có cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc quản lý, cho thuê, sử dụng, duy tu, sửa chữa, mua bán và chứng nhận quyền sở hữu trong quá trình thực hiện tư nhân hóa quỹ nhà này”, một chuyên gia về nhà ở nói.
Bên cạnh “lỗ hổng” của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở, sự bất cập trong tổ chức phân công, phân cấp quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các biệt thự xuống cấp.
Công tác quản lý nhà ở được Bộ Xây dựng giao cho Cục Quản lý nhà. Tuy nhiên “quân số quá mỏng nên chúng tôi mới đáp ứng được 40% nhu cầu”, một lãnh đạo Cục Quản lý nhà thừa nhận.
Hiện ngành nhà đất ở các địa phương chỉ quản lý gần 80% quỹ biệt thự, còn lại do các cơ quan tự quản, bao gồm các cơ quan trung ương và địa phương.
Qua số liệu điều tra 611 biệt thự tại Hà Nội, ngành nhà đất đang quản lý 519 biệt thự, còn lại 92 biệt thự do các cơ quan tự quản lý, chưa kể gần 200 biệt thự mà các cơ quan trung ương đang quản lý, sử dụng vào mục đích công vụ.
Một thành viên đoàn điều tra của Bộ Xây dựng cho biết, do hỗn loạn trong phân công, phân cấp quản lý, đã nảy sinh hai vấn đề rất khó giải quyết trong quản lý biệt thự công. Thứ nhất, hồ sơ của từng biệt thự không tập trung về một mối, bị thất thoát và hư hỏng rất nhiều. Thứ hai, công tác quản lý cho thuê, quản lý sửa chữa thiếu thống nhất và dàn trải.
(Theo Tiền Phong)