Ý tưởng đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) khi chuyển quyền sử dụng đất của Bộ Tài chính đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Những ý kiến phản đối với đề xuất của Bộ Tài chính về việc đưa chuyển quyền sử dụng đất vào diện chịu thuế VAT đã được nêu ra trong hội thảo lấy ý kiến về đề xuất sửa đổi 5 Luật Thuế sáng 14/9/2017.
|
Quyền sử dụng đất cũng bị đề xuất phải chịu VAT. |
Theo dự thảo mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị bỏ quy định "chuyển quyền sử dụng đất không chịu VAT" sang mức thuế suất thông thường là 10%. Như vậy, khi sang tên sổ đỏ theo diện mua bán, người dân sẽ phải chịu thêm 10% thuế VAT.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS đã phản đối đề xuất này và cho rằng quy định trên nếu được thông qua sẽ tác động rất lớn đến thị trường BĐS, thậm chí đẩy giá nhà lên cao. Theo tính toán của ông, nếu áp cả VAT khi chuyển quyền sử dụng đất, mỗi giao dịch sẽ đội thêm 10-15% chi phí. Bên cạnh đó, vị này còn cho rằng thị trường BĐS hiện 70% là nhà ở. "Rất nhiều người cần cải thiện nhà ở mà giá nhà, vật liệu vốn đã tăng, nếu tăng thêm thuế nữa sẽ khiến giá đội lên rất nhiều", ông nói.
Đại diện đơn vị kiểm toán độc lập, tư vấn thuế Deloitte khi tham dự hội thảo cũng cho rằng, việc áp thuế VAT với chuyển quyền sử dụng đất là không phù hợp. Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte cho biết, quyền sử dụng đất không phải là một loại hàng hoá thông thường, bản chất không thoả mãn điều kiện là một loại hàng hoá.
"Quyền sử dụng đất là quyền pháp lý. Các quy định hiện hành về thuế VAT đều không coi các quyền là hàng hoá chịu VAT. Ngoài ra, đất đai là tài sản Nhà nước, chỉ cho phép người dân sử dụng, định đoạt như chuyển nhượng, tặng, cho... chứ không được đưa vào sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như hàng hoá bình thường", ông Tuấn phân tích.
Ngoài ra, Deloitte cũng cho rằng, các cá nhân, hộ gia đình đã phải nộp tiền sử dụng đất (tiền thuê đất). "Nếu tiếp tục đánh thêm thuế VAT trên giá trị quyền sử dụng đất thì sẽ xảy ra tình trạng thuế phí chồng thuế phí", ông Tuấn nói.