Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ chung chỉ áp dụng đối với tài sản là của chung nhiều người trong gia đình. Quy định này sẽ giúp hạn chế tranh chấp đất đai.
Thông tư 33 có hiệu lực từ ngày 5/12, được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ phủ bổ sung, sửa đổi một số nghị định chi tiết thi hành Luật đất đai, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai. Thông tư này hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất.
Điểm khác biệt so với quy định cũ là Thông tư 33 đã bổ sung đối tượng "những thành viên còn lại trong gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất". Nội dung này khiến dư luận băn khoăn và có những ý kiến trái chiều bởi nếu ghi đầy đủ tên của các thành viên trong gia đình thì hoạt động mua bán, chuyển nhượng sẽ gặp khó khăn và gây rắc rối cho thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định này sẽ bảo đảm tính pháp lý được chặt chẽ, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Qua đó giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng đất, đảm bảo tính minh bạch về tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong một gia đình.
Ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ sẽ giúp hạn chế được tranh chấp đất đai
Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, quy định ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ trong được áp dụng với trường hợp tài sản là của chung nhiều người trong gia đình. Nếu tài sản là của chung vợ chồng thì cần ghi cả vợ tên họ và vợ tên chồng vào Giấy chứng nhận. Trừ trường hợp vợ hoặc chồng có thỏa thuận ghi tên một người theo quy định tại Khoản 4 Điều 98 của Luật đất đai. Trường hợp cấp giấy chứng nhận đối với đất là tài sản cá nhân thì phải ghi rõ họ, tên của cá nhân đó.
Cũng theo Bộ Tài nguyên Môi trường, quy định trên phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật đất đai. Điều ngày có nghĩa là thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu phải ghi đầy đủ tên của những người đó, đồng thời phải cấp cho mỗi người 1 giấy chứng nhận.
Quy định được nêu tại Thông tư 33 được đưa ra nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế khi triển khai thi hành Luật Đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình trong quá trình giao dịch về quyền sử dụng đất; do xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình chưa xác định rõ ràng các thành viên có chung quyền sử dụng đất nên không có cơ sở pháp lý để xử lý đảm bảo là quyền sử dụng đất, đồng thời giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình...
Hơn nữa, quy định nêu trên của Thông tư không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất mà đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự. Theo Khoản 2 Điều 212 Bộ Luật dân sự, trường hợp định đoạt tài sản bất động sản là tài sản chung của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.