Nếu người dân sử dụng đất nông nghiệp ổn định, có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất đó thì Nhà nước vẫn giao lại đất đó cho người dân sử dụng.
Ngày 11-1, một thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, hiện có hai luồng ý kiến.
Một cho rằng không cần quy định thời hạn; một luồng ý kiến khác lại cho rằng vẫn cần có thời hạn nhưng kéo dài hơn so với hiện nay là 50 năm hoặc 99 năm. Bộ đang xem xét để đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo hướng tạo điều kiện hơn cho người sử dụng đất.
Vụ cưỡng chế thu hồi đất gây xôn xao dư luận ở Tiên Lãng (Hải Phòng), liên quan đến thời hạn giao đất. Theo quy định hiện hành, người dân sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối chỉ được giao đất trong thời hạn 20 năm. Vì thế tới năm 2013, hàng loạt nông dân được giao đất nông nghiệp từ năm 1993 sẽ hết thời hạn được giao đất. Việc quy định thời hạn giao đất ngắn khiến nhiều người không dám đầu tư lớn vào sản xuất vì sợ sẽ bị thu hồi để giao cho người khác. Họ lo lắng: “Đến năm 2013, có chia lại ruộng đất hay không?”.
Vị thứ trưởng trên cho biết theo quy định hiện hành, nếu người dân sử dụng đất nông nghiệp ổn định, có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất đó thì Nhà nước vẫn giao lại đất đó cho người dân sử dụng. Vì vậy, người dân không nên lo lắng.
Xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, ông cho rằng: Việc người dân có phản ứng tiêu cực, dùng súng bắn lại lực lượng cưỡng chế là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chính quyền huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng cần nghiêm túc xem lại việc thu hồi đất, cưỡng chế đã đúng quy định chưa. Nếu phát hiện có vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm. Trước tiên, chính quyền huyện, TP phải tự kiểm tra, xử lý.
(Theo Pháp Luật TPHCM)