Chiều 17/10 chốt lại cuộc họp với Hà Nội, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, làm việc để chống ùn tắc.
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề trên Dothi.net tại đây
Chiều 17/10 chốt lại cuộc họp với Hà Nội, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, làm việc để chống ùn tắc. Cơ quan trung ương có thể làm việc từ 9h sáng đến 6h chiều.
Hơn một tuần sau khi ký văn bản đề nghị công chức trong ngành đi xe buýt, ngay khi về Hà Nội sau chuyến công tác nước ngoài, chiều 17/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có cuộc họp với thành phố Hà Nội.
"Tôi đề nghị các vị không nêu những thành tích, hạn chế mà đi thẳng vào các giải pháp, đặc biệt những giải pháp mang tính đột phá", ông Thăng mở đầu cuộc họp.
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, vào giờ cao điểm, lưu lượng khách tăng 1,5-2 lần nên người dân phải chờ đợi lâu. Xe buýt có 80 chỗ phải gánh đến 200 khách, có xe về bến chậm 30-40 phút (tỷ lệ chậm chuyến trung bình tháng 9 là 13,5 phút).
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội bổ sung, xe buýt Hà Nội mới khai thác được 80% công suất song không thể tăng số lượng xe được nữa vì không còn đường... do ùn tắc.
"Đề xuất ưu tiên cho xe buýt phải mang tính đột phá, nếu không vẫn đâu vào đó. Giả sử chúng ta cấm phương tiện cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm tại một số tuyến thường xuyên ùn tắc thì xe buýt có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển không? ", Bộ trưởng Giao thông nêu câu hỏi."Chúng tôi có thể đáp ứng" đại diện ngành vận tải thủ đô đáp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra giải pháp tách làn phương tiện, tăng cường sử dụng làn dành riêng cho xe buýt, phát triển xe buýt nhanh, xe buýt chuyên trách. Ông Hùng cũng đề xuất điều chỉnh giờ hoạt động các dịch vụ thương mại như khối ngân hàng, bưu điện sau 9h sáng để giảm lưu lượng người đi lại.
Đồng tình quan điểm trên, ông Trần Ngọc Thành, Vụ Vận tải cho rằng, với những tuyến có 2 làn, cần dành riêng một làn cho xe buýt, những tuyến có mặt cắt dưới 7 mét thì sử dụng xe buýt loại nhỏ. Ông Thành đề xuất các ngân hàng, trung tâm thương mại cần mở cửa nên mở cửa sau 9h sáng để giảm lưu lượng xe giờ cao điểm.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Khuất Việt Hùng, Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, để tạo điều kiện cho xe buýt phát triển, cần hạn chế phương tiện cá nhân, trước hết là ôtô. Hà Nội cần thu phí đỗ xe trong trung tâm cao hơn ngoại thành, giờ cao điểm cao hơn buổi tối. Ngoài ra, cần tập trung hạ tầng giao thông vỉa hè cho người đi bộ, xe buýt cần có hệ thống quản lý thông minh, có thể điều chỉnh biểu đồ cho xe buýt chạy.
Đại diện Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị đồng tình với quan điểm hạn chế phương tiện cá nhân, phải dùng cơ chế chính sách như nộp lệ phí cao, bốc thăm chờ đến lượt đăng ký. Vào giờ cao điểm, ôtô cá nhân phải chở đủ 4 người mới được vào nội đô...“Tất cả là vì lợi ích chung chứ không phải làm khó cho dân”, ông Nghị bày tỏ.
Theo Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, thành phố đã chỉ đạo các giải pháp chống ùn tắc giao thông như phân làn phương tiện, tăng cường giao thông một chiều, đề án tuyến phố đi bộ và vận tải công cộng. Ông Khôi cho rằng, Bộ GTVT và Hà Nội cần lên kế hoạch và có giải pháp đồng bộ điều chỉnh giờ học, giờ làm việc.
Chốt lại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, bây giờ là lúc phải hành động quyết liệt. Trước mắt, Bộ Giao thông và Hà Nội sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, giờ làm việc của cơ quan Hà Nội, cơ quan trung ương. "Các cơ quan trung ương có thể làm việc từ 8h30 hoặc 9h sáng đến 6h chiều", ông Thăng gợi ý.
Bộ trưởng cho rằng, những tuyến đường trọng điểm hiện nay phải cấm taxi, tăng cặp đường một chiều để tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển tốt hơn và xây dựng nhanh các cầu vượt qua giao cắt; không dùng lòng đường làm nơi đỗ xe.
"Chúng ta phải có các giải pháp cấp bách, biện pháp nào cũng có tác dụng phụ, thuốc bổ cũng có tác dụng phụ nhưng chúng ta phải chấp nhận như vậy”, Bộ trưởng Thăng phát biểu.
(Theo VnExpress)