Việc cải tạo chung cư cũ đã chậm kế hoạch, trong bối cảnh hiện nay nhiệm vụ này càng trở nên bế tắc
Việc cải tạo chung cư cũ đã chậm kế hoạch, trong bối cảnh hiện nay nhiệm vụ này càng trở nên bế tắc
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Hà Nội và TP HCM có gần 2.000 chung cư cũ, làm xấu bộ mặt kiến trúc đô thị, và gây nguy hiểm tính mạng của người dân. Theo kế hoạch, đến nay Hà Nội phải hoàn tất xây dựng lại chung cư cũ song thực tế chưa cải tạo được nhiều khu.
Bộ trưởng cho rằng, chung cư là của người dân nếu người dân không tự nguyện xây lại thì nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng chứ không phải doanh nghiệp. Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ, coi Nhà nước là chủ đầu tư. Nếu đến nơi ở mới thì người dân sẽ được ở diện tích rộng hơn, còn khi muốn ở khu cũ thì diện tích căn hộ sẽ không được tăng. Khu đất của nhà chung cư cũ sẽ được đấu giá hoặc xây nhà xã hội… Các địa phương hàng năm sẽ công bố những công trình nào phải di dời dân, chung cư nào nguy hiểm.
“Nhà chung cư cũ sẽ không thể cải tạo lại với cách làm như hiện nay. Nếu nhà nước quyết liệt thực hiện thì sẽ hoàn thành trong 10 năm tới. Nếu thực hiện được tại Hà Nội và TP HCM thì coi như thành công, các đô thị khác sẽ học tập”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, Nhà nước cần tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả. Đồng thời, cần chính sách hỗ trợ đặc biệt để phát triển nhà ở phi hàng hóa (trong đó chủ yếu do Nhà nước can thiệp), nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho nhóm đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường. Hiện, Chính phủ đã giao Bộ xây dựng lập kế hoạch, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội 5 năm tới là thực hiện 12 triệu m2 nhà.
“Nhà ở xã hội dành để bán, cho thuê, thuê mua sẽ nhằm đáp ứng cho đối tượng dân nghèo, không có điều kiện mua hoặc thuê nhà theo giá thị trường. Phát triển được loại hình nhà ở phi hàng hóa là con đường gần nhất để đi đến mục tiêu mọi người dân đều có quyền có chỗ ở”, ông Dũng nói.
Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Chính phủ 8 nhóm đối tượng cụ thể cần hỗ trợ chỗ ở, gồm người có công với cách mạng; hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân lao động; học sinh-sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...).
Trong khi đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bày tỏ tại cuộc họp với Bộ Xây dựng chiều 17/11: “Người dân không muốn di chuyển đi xa vì thương hiệu hộ khẩu ở trung tâm, việc thuyết phục rất vất vả, mấy năm nay chưa giải quyết được".
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, cải tạo chung cư ở Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn. Để cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, thành phố phải bổ sung đến 2.000 tỷ đồng. Với số tiền đó thì có thể xây được một khu đô thị bên ngoài.
“Để cải tạo chung cư cũ, phải xem xét quan điểm và phương pháp xây lại chung cư cũ”, ông Thảo nói.
Xem ra dù đã chậm kế hoạch, bài toán cải tạo chung cư cũ vẫn còn cần thời gian giải không ngắn.
TH