Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã "bắt bệnh" giao thông đô thị theo một hướng khác và xác định sự vào cuộc của Bộ xây dựng
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để giải quyết một cách lâu dài về giao thông ở hai TP Hà Nội, Hồ Chí Minh cần phải hạn chế xây dựng nhà cao tầng để giảm mật độ dân số nội thành...điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô, vùng Thành phố Hồ Chí Minh...
Ùn tắc giao thông là do dân số tăng vọt
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất thấp, hiện nay khoảng 8% trên đất đô thị, trong khi yêu cầu đất dành cho giao thông phải đạt từ 24-26% cho tiêu chuẩn và theo luật là khoảng 16-26%. Bên cạnh đó, diện tích bãi đỗ xe thì chỉ đạt chưa đến 1%, Hà Nội là 0,3% và Thành phố Hồ Chí Minh là 0,8% trong khi đó yêu cầu là từ 3-5% trên tổng diện tích đất đô thị.
Đất cho giao thông ít, nhưng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lại thiếu sự kiểm soát việc tăng dân số cơ học ở những đô thị lõi, đô thị trung tâm mà đặc biệt là xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra tại hai thành phố này.
Bộ trưởng Dũng cho biết, mật độ dân nội thành Hà Nội hiện nay là 25.000-36.000 người trên 1km2, TP. Hồ Chí Minh là 26.500 người, trong khi đó những đô thị nén của Singapore, Hồng Kông chỉ khoảng 6.500 người trên 1 km2. Ngoài ra, theo quy hoạch năm 1998 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì bốn quận nội thành giữ mức độ 80 vạn dân. Nhưng hiện nay bốn quận nội thành Hà Nội đã là 1,2 triệu dân.
Dân số tăng gây áp lực lớn cho giao thông nhưng không thể phủ nhận là việc tổ chức mạng lưới giao thông còn rất bất cập. Từ giao thông vùng thiếu các tuyến vành đai tránh qua các thành phố lớn. Chẳng hạn như đi từ Bắc vào Nam thì đều phải qua Hà Nội. Từ đó chuyện ách tắc là không thể tránh khỏi. Hay đi từ phía tây xuống phía đông.
Trong TP. Hồ Chí Minh cũng tương tự. Các đường xuyên tâm chậm đầu tư, giao thông chủ yếu thì cùng cốt, thiếu tổ chức giao thông không gian tức là giao thông ngầm, giao thông trên cao và giao thông dưới mặt đất. Thiếu liên kết giữa giao thông của các công trình cao tầng. Hiện hay các công trình cao tầng đều phải xuống mặt đất để đi. Thay vì các nước hiện nay là giao thông của họ đi trên một mặt cắt khác ở tầng 2 hoặc tầng 1 để liên thông đi bộ trên các tầng đó.
Bộ trưởng Dũng cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn tắc giao thông là việc phát triển nhà cao tầng ở nội đô, của các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm v.v...chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ nên ngày càng gia tăng.
“Các khu đô thị mới còn thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, hạ tầng dịch vụ đồng bộ. Chẳng hạn có một khu đô thị xây xong thì trường học thiếu, phòng khám bệnh thiếu, trường mầm non thiếu, khu mua sắm thiếu cho nên dẫn đến giao thông con lắc tức là người từ đô thị này phải đến đô thị khác để mua hàng cho nên dẫn đến giao thông cũng ách tắc”, ông Dũng nói.
Điều chỉnh quy hoạch nội đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh
Phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp ngắn hạn khắc phục thực trạng này, nên vấn đề ùn tắc giao thông ở hai thành phố này đã được giảm đi rất nhiều. Bộ trưởng Dũng chia sẻ, nếu không ra tay mạnh mẽ như vừa rồi, phân luồng, phân làn đường, tổ chức các nút giao thông ở trung tâm, quản lý, kiểm soát..., chắc chắn giao thông còn ùn tắc rất nhiều. Bởi theo dự báo, trong các năm tới, tình hình ùn tắc giao thông sẽ được cải thiện không nhiều do quá trình tăng phương tiện cá nhân cũng như việc đầu tư phát triển hạ tầng hiện nay rất chậm so với yêu cầu của sự phát triển đô thị là do đang thiếu vốn, một nước nghèo thu nhập bình quân 1.000 đôla/người.
Để giải quyết được tận gốc vấn đề, người đứng đầu Bộ Xây dựng đề nghi kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chất tải thêm các công trình cao tầng có nhiều người làm việc, nhiều người ở tại các quận nội thành của 2 thành phố lớn.
“Nhóm giải pháp dài hạn ở đây phải đạt mục tiêu là khoảng 10 năm nữa, phải cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn, 15 năm triệt để ngoài những lý do bất khả kháng về ùn tắc giao thông”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. Nhưng, phải làm gì để đạt được mong muốn này?
Theo Bộ trưởng Dũng, thứ nhất, tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến phát triển đô thị như Luật đô thị, nghị định phát triển đô thị thay vì chúng ta đang phát triển đô thị rất tự phát hiện nay. Phải tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước, của Trung ương, địa phương trong lĩnh vực phát triển đô thị để đô thị quản lý phát triển theo đúng quy hoạch, có đầy đủ hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Thứ hai, tập trung thực hiện định hướng quy hoạch phát triển tổng thể đô thị quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 445 năm 2009 theo hướng phát triển hệ thống đô thị hài hòa, cân đối giữa các vùng miền trong cả nước. Trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI nói rất rõ là không để vùng nào thiếu vắng đô thị và các đô thị phát triển, nếu đô thị phát triển hài hòa thì chúng ta vừa hài hòa các nguồn lực cân đối, tránh tập trung. Do đó cũng giảm áp lực người dân từ các tỉnh khác về đô thị trung tâm.
“Cần phải điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đã có quy hoạch rồi nhưng phải tiếp tục điều chỉnh theo yêu cầu của Thủ tướng, yêu cầu tập trung phát triển hệ thống giao thông liên vùng, phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong vùng để giảm áp lực tăng dân số cơ học về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tránh giao thông cắt qua thành phố lớn cùng cốt như hiện nay. Phải bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật vùng chẳng hạn như bệnh viện lớn, trường đại học, những khu vực vui chơi giải trí lớn như công viên Disney land thì không cứ phải Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải bố trí mà phải bố trí ra vùng mà đây là công trình của vùng. Ví dụ công trình ở Bắc Ninh thì cũng chính là cho Hà Nội, hoặc nghĩa trang để ở Hòa Bình cũng chính là cho Hà Nội chứ không phải là cứ Hà Nội phải có đầy đủ các thứ”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm khắc phục sự cố giao thông
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, Bộ Xây dựng cũng phải có trách nhiệm trên cơ sở quy hoạch Thủ đô Hà Nội và quy hoạch điều chỉnh Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng mới phê duyệt thì phải tiến hành cụ thể hóa bằng các quy hoạch. Đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông cần khẩn trương, xây dựng mục tiêu và lộ trình đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hàng năm, 5 năm và 10 năm xem được cái gì, đưa ra nguồn lực đầu tư để quyết tâm thực hiện bao gồm các công trình trên cao, công trình ngầm, công trình cùng cốt v.v... Xây dựng các đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dịch vụ đồng bộ để hạn chế dịch chuyển của người dân tại các khu đô thị đến các khu đô thị khác theo hình con lắc.
Vấn đề tiếp theo là phải kiểm soát chặt chẽ việc tăng dân số cơ học ở các quận nội thành, xây dựng các khu đô thị mới khang trang để chuyển dần dân ở 4 quận nội thành Hà Nội và những khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh ra bên ngoài. Vấn đề này trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã khẳng định trong khoảng 10 đến 20 năm sẽ chuyển được 40 vạn dân ở 4 quận nội thành ra ngoài. Đây là công việc rất khó khăn và các đồng chí đang tích cực làm.
Một vấn đề nữa là phải kiểm soát xây dựng được các công trình cao tầng để giảm mật độ dân số nội thành, di dời các cơ sở đào tạo, trung học chuyên nghiệp ra khỏi nội thành để khoảng 20 - 30 vạn sinh viên ở Hà Nội di chuyển ra bên ngoài, các tỉnh xung quanh hiện nay đang làm quy hoạch đó, Bộ xây dựng cùng với Bộ giáo dục được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu làm quy hoạch này để chuyển ra. Kiểm soát quy mô bệnh viện trong các khu vực đô thị trung tâm, tất nhiên không thay nhưng kiểm soát quy mô đến mức nào và còn lại ra ngoài như thế nào. Thực hiện di dời một số cơ quan trung ương ra khu vực đô thị theo quy hoạch, chẳng hạn một số bộ, cơ quan trung ương ra khu vực tây Hồ Tây hoặc ra Mỹ Đình v.v..., hiện nay đang làm. Đối với thành phố Hồ Chí Minh phải thêm giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn hiện nay có rồi và tập trung trên các tuyến kênh rạch, vừa làm tăng phương tiện giao thông nhưng đồng thời làm tăng cảnh quan kiến trúc của thành phố.
Đức Thanh (Theo VnMedia)