Sớm nhất đến năm 2021 mới có thể khởi công Bảo tàng Lịch sử quốc gia với vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho hay.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 vẫn không được bố trí dù Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch đã nhiều lần kiến nghị.
Việc bố trí hơn 11.200 tỷ đồng cho dự án bảo tàng quốc gia nhận được nhiều ý kiến trái chiều bởi kinh tế đất nước đang khó khăn, nhiều bảo tàng vắng khách tham quan.
Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, do kinh tế đang khó khăn nên đến năm 2021 mới khởi công dự án là hợp lý. Đồng thời, ông Thông cũng ủng hộ đầu tư lớn để có một công trình tầm vóc hơn thay vì đầu tư nhỏ, chắp vá.
Trong bối cảnh hàng loạt bảo tàng hiện đều vắng khách, ông Thông cũng e ngại về hiệu quả đầu tư dự án này. Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: "Chúng ta cần rút kinh nghiệm việc trưng bày ở các bảo tàng hiện nay, như Bảo tàng Hà Nội vắng khách do thiếu hiện vật. Trong 4 năm tới, cần chuẩn bị phương án trưng bày, tìm hiện vật, nhất là phải theo kịp công nghệ số".
Phối cảnh tổng thể Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Ảnh: Xuân Hoa)
TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nhận định, việc xây dựng công trình có tầm vóc lớn là cần thiết bởi đa số trong hơn 200.000 hiện vật của Bảo tàng Lịch sử đang phải giữ trong kho, chưa có nơi trưng bày. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có bảo tàng nào quy mô lớn trong khu vực và chưa thu hút được khách tham quan.
Theo ông Bài: "Cha ông để lại tài sản quý giá, chúng ta phải biết phát huy. Nhiều trống đồng, cổ vật quốc gia cần được trưng bày, giới thiệu ra công chúng".
Vị này đánh giá, việc chi hơn 11.200 tỷ đồng xây dựng một công trình văn hóa cũng chỉ tương đương một tuyến đường hoặc trụ sở hành chính.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Quang Nam cho hay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, quan điểm của Bộ Xây dựng là không thúc đẩy triển khai dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo phấn đấu khởi công sớm nhất dự án vào năm 2021 khi điều kiện kinh tế cho phép.
Vậy nên, trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là phần xây dựng nội dung, phương án phân loại và thu thập hiện vật, trưng bày…
"Một số ý kiến so sánh dự án với các công trình bảo tàng không hiện vật, vắng người xem ở Hà Nội, tôi thấy không đúng. Bởi dự án này được chuẩn bị rất kỹ trong nhiều năm, không chỉ về phương án kiến trúc mà còn trình bày, vận hành theo tư vấn của nước ngoài”, ông Nam khẳng định.
Được biết, từ năm 2005, dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia được khởi động với kinh phí dự tính riêng phần xây dựng xấp xỉ 11.200 tỷ đồng. Công trình được bố trí tại KĐTM Tây Hồ Tây với tổng diện tích sử dụng khoảng 10 ha.
Theo Bộ Xây dựng, do việc bố trí nguồn vốn gặp khó khăn nên dự án đã giãn tiến độ nhiều năm qua. Thậm chí, Ban quản lý dự án không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức, không có kinh phí để thanh toán cho các nhà thầu theo cam kết của hợp đồng.
Chính vì vậy, cơ quan này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015. Thủ tướng kết luận việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần thiết, yêu cầu bố trí vốn cho dự án, phấn đấu khởi công vào năm 2021 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2024.