Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 5 ngân
hàng thương mại hướng dẫn xác định đối tượng, điều kiện và trình tự thủ
tục cho vay mua nhà trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 5 ngân hàng thương mại hướng dẫn xác định đối tượng, điều kiện và trình tự thủ tục cho vay mua nhà trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối tượng được vay vốn nếu là các doanh nghiệp phải là chủ đầu tư nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 8/3/2013 của Bộ Xây dựng.
Cùng trong nhóm còn có các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 và các Quyết định số 65, 66, 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Các doanh nghiệp này phải đáp ứng các điều kiện như: Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và văn bản chấp thuận đầu tư; có đất sạch và giấy phép xây dựng, trường hợp được miễn giấy phép xây dựng thì phải có văn bản xác nhận của Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án. Mục đích vay vốn là để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh từ ngày 7/1/2013 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thông qua UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ đáp ứng các điều kiện nêu trên, kèm theo nhu cầu lượng vốn cần vay về Bộ Xây dựng để kiểm tra, thẩm định và tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng. Doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với 1 trong 5 ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long) để được xem xét cho vay vốn.
Dùng chính căn hộ đang mua làm tài sản bảo đảm khoản vay với ngân hàng
Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp là người thuê, thuê mua, mua nhà ở (hộ gia đình, cá nhân) được hưởng ưu đãi từ gói tín dụng này.
Theo đó, đối tượng khách hàng cá nhân được vay vốn để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở thu nhập thấp) hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 gồm: Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng đó là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.
Về điều kiện vay vốn để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nêu rõ: Do việc xét duyệt đối tượng, điều kiện được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và nhà ở thu nhập thấp theo quy định tại Quyết định 67/2009/QĐ-TTg đã được thực hiện rất chặt chẽ, vì vậy hộ gia đình, cá nhân khi có hợp đồng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đã ký kết với chủ đầu tư dự án sau ngày 7/01/2013 được coi là đủ điều kiện được vay trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.
Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn phải có đủ mức vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay theo quy định và đáp ứng khả năng trả nợ theo điều kiện vay vốn của ngân hàng.
Theo Bộ Xây dựng, người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp có thể dùng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã hoàn thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai để làm tài sản bảo đảm khoản vay với ngân hàng.
Đối với người thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, phải đảm bảo các điều kiện: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội. Cụ thể, có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người; có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Bộ Xây dựng yêu cầu đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên.
Đồng thời, đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật, ký kết sau ngày 7/1/2013; có đủ mức vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay theo quy định và đáp ứng khả năng trả nợ theo điều kiện vay vốn của ngân hàng.
Người thuê, mua nhà ở thương mại có thể dùng căn hộ đã hoàn thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai để làm tài sản bảo đảm khoản vay với ngân hàng.
Bộ Xây dựng cho biết, những đối tượng trên có nhu cầu vay vốn, có đủ điều kiện thì liên hệ với 1 trong 5 ngân hàng nói trên để xem xét được vay vốn. Ngân hàng không yêu cầu thêm các thủ tục xác nhận về đối tượng, điều kiện khác. Trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng.
Thời hạn kết thúc giải ngân
Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân trong quá trình vay vốn, Bộ Xây dựng đề nghị các ngân hàng phối hợp với các chủ đầu tư dự án có nhà ở bán cho khách hàng, hướng dẫn người mua được tiếp cận vốn vay, nếu có nhu cầu, tốt nhất là tạo điều kiện để người mua được vay cùng một ngân hàng với chủ đầu tư. Tuy vậy, không được bắt buộc khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải vay vốn tại cùng một ngân hàng mà chủ đầu tư đã vay vốn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng lưu ý, do các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại có các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 không thuộc đối tượng được vay vốn trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, nhưng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại có có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì lại thuộc đối tượng được vay vốn trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, vì vậy, khi ngân hàng xem xét cho khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 vay vốn thì không xem xét dự án đó có được vay vốn trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở hay không.
Theo Chinhphu.vn