Theo Bộ Xây dựng, giá trị ngôi nhà sẽ không ổn định, thay đổi theo thời gian và khó thống nhất giữa các địa phương. Bộ đề xuất, thuế nhà, đất nên tính theo diện tích.
Theo Bộ Xây dựng, giá trị ngôi nhà sẽ không ổn định, thay đổi theo thời gian và khó thống nhất giữa các địa phương. Bộ đề xuất, thuế nhà, đất nên tính theo diện tích.
Dự thảo Luật Thuế nhà đất quy định, nhà trị giá 600 triệu đồng có thể chịu mức thuế 0,03%.
Đối với đất ở một hộ, một tầng, diện tích đất trong định mức phải nộp thuế suất 0,03%, vượt không quá 3 lần chịu thuế 0,06%, trên 3 lần phải đóng 0,09%.
Bộ Xây dựng cho rằng tính thuế theo giá trị nhà là chưa hợp lý bởi giá tiền không ổn định, thay đổi theo thời gian. Ngoài ra, mỗi địa phương có cách tính khác nhau sẽ dẫn đến việc tính thuế tùy tiện.
Mặt khác, ngưỡng nhà 600 triệu đồng phải chịu thuế là quá cao. Ít hộ gia đình phải nộp thuế dẫn đến không đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đề xuất cần lấy diện tích nhà đất làm căn cứ tính thuế.
Cách làm này dễ quản lý, bởi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã ghi rõ diện tích công trình. Tránh được tình trạng giá cả thay đổi theo thời gian và thuận lợi trong việc xác định bước thuế lũy tiến.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị cần quy định cấp hạng nhà chịu thuế. Ví dụ nhà ở cấp 4, khu vực nông thôn không thuộc đối tượng nộp thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính giải trình, không nên xác định hạn mức chịu thuế nhà ở theo diện tích. Bởi thực tế, có những hộ gia đình sở hữu nhà có diện tích lớn nhưng giá trị không đáng kể dẫn đến việc tính thuế không công bằng, tiêu biểu là khu vực nông thôn hoặc nhà cấp 4.
Bác bỏ quan điểm trên, Bộ Xây dựng nhận định, trường hợp nhà ở diện tích lớn nhưng giá trị nhỏ thì tiền thuế mỗi năm theo tính toán cũng không đáng kể.
Ví dụ hạn mức diện tích nhà ở chịu thuế là 150 m2, thuế suất là 0,03%, thì một hộ gia đình có 1 nhà cấp 4 diện tích 200 m2, một năm sẽ phải đóng một khoản thuế nhà ở là: (200 - 150) x 1 triệu đồng/m2 x 0,03% =15.000 đồng mỗi năm.
Để tránh đầu cơ, Bộ Xây dựng kiến nghị, nên chia nhỏ hơn bậc thuế, tăng thuế suất theo lũy tiến đối với các diện tích nhà đất vượt quá hạn mức. Ví dụ, có các bậc thuế như sau: Trong hạn mức, 2 lần hạn mức, 3 lần hạn mức, 4 lần hạn mức và hơn 4 lần hạn mức.
Bởi mức lũy tiến 0,06% và 0,09% trong dự thảo luật chưa điều chỉnh được các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa nhà ở của các tổ chức, cá nhân kể cả các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản.
Dự thảo Luật chưa quy định thời điểm bắt đầu và chấm dứt trách nhiệm nộp thuế, đặc biệt là trường hợp giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Ví dụ, trong trường hợp giải phóng mặt bằng thì thời điểm chấm dứt trách nhiệm nộp thuế của người nộp thuế trước là khi có quyết định thu hồi đất hay thời điểm bàn giao đất.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị nên lùi thời hạn luật có hiệu lực thi hành sau ngày 1/1/2011 để các tỉnh, địa phương có bước chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác thống kê, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở...
(Theo VnExpress)