Tiểu dự án TP Cà Mau nằm trong dự án nâng cấp đô thị khu vực ĐBSCL triển khai trong 6 năm tới (2012 - 2017) ở những khu dân cư nghèo trên địa bàn 8 phường, xã với tổng vốn đầu tư hơn 1.185 tỷ đồng
Tiểu dự án TP Cà Mau nằm trong dự án nâng cấp đô thị khu vực ĐBSCL triển khai trong 6 năm tới (2012 - 2017) ở những khu dân cư nghèo trên địa bàn 8 phường, xã với tổng vốn đầu tư hơn 1.185 tỷ đồng
Các hợp phần bao gồm: Nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 tại 18 khu dân cư thu nhập thấp; nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1 và 2 liên quan; xây dựng khu tái định cư; hỗ trợ lĩnh vực quản lý nhà; đầu tư cho vay cải thiện nhà ở; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giám sát, thiết kế và đào tạo. Dự án thực hiện hoàn thành sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 5.200 hộ dân và khoảng 25 nghìn hộ dân khác hưởng lợi gián tiếp; cải thiện đáng kể và đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: Lộ hẻm, đường giao thông, cấp thoát nước, lưới điện, nhà ở… thu gom, xử lý chất thải, khắc phục và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nước úng ngập, bệnh tật; tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho cư dân, xóa đói giảm nghèo, chỉnh trang và cải thiện mỹ quan đô thị… Đặc biệt, đây còn là cơ sở, điều kiện thuận lợi để TP Cà Mau hướng đến xây dựng phát triển đạt tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2020.
Dự án nâng cấp đô thị khu vực ĐBSCL thuộc chương trình nâng cấp đô thị Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, nhằm mục đích xóa bỏ tình trạng nghèo nàn, sinh hoạt thấp kém tại những khu vực dân cư thu nhập thấp, đời sống khó khăn, cải thiện và nâng cao điều kiện sống của dân cư các đô thị vùng ĐBSCL. Theo đó, 6 đô thị đã được lựa chọn thực hiện trong dự án, gồm: Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Rạch Giá (Kiên Giang) và Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh). Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 600 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của các địa phương 35% còn lại là vốn vay Ngân hàng Thế giới.
PV