Đồng Yên tăng giá đã khiến cuộc sống tại các đô thị lớn ở đất nước mặt trời mọc càng trở nên đắt đỏ hơn với người nước ngoài. Kết quả điều tra cho thấy, trong số 5 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới, thì có tới 4 thành phố của Nhật.
Đồng Yên tăng giá đã khiến cuộc sống tại các đô thị lớn ở đất nước mặt trời mọc càng trở nên đắt đỏ hơn với người nước ngoài. Kết quả điều tra cho thấy, trong số 5 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới, thì có tới 4 thành phố của Nhật.
Theo hãng tin AFP, Tokyo, Nagoya, Yokohama và Kobe chiếm 4 vị trí trong top 5 thành phố trên thế giới khiến người nước ngoài phải tiêu tốn nhiều tiền nhất cho sinh hoạt.
Đây là kết quả cuộc điều tra thường niên do hãng tư vấn ECA International thực hiện. Cuộc điều tra này nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề xác định mức thù lao phù hợp khi cử nhân viên đi công tác nước ngoài.
“Đồng Yên liên tục tăng giá đã đưa các thành phố của Nhật vào nhóm đầu của bảng xếp hạng. Tokyo tiếp tục giữ vị trí là thành phố đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài tại châu Á cũng như trên toàn thế giới”, báo cáo của ECA cho biết.
Tỷ giá đồng Yên so với USD đã tăng lên mức trên 80 Yên đổi 1 USD vào tháng 11 vừa qua, từ mức 90 Yên đổi 1 USD cách đây 1 năm.
Thủ đô Angolan của Luanda đứng ở vị trí thứ hai trong xếp hạng. Cơ sở hạ tầng tồi tệ ở thành phố này khiến người nước ngoài sống ở đây chỉ còn cách phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, trong top 10 của xếp hạng còn có 5 thành phố của châu Âu, gồm Oslo và Stavanger của Na Uy, Zurich, Geneva và Bern của Thụy Sỹ.
Riêng tại khu vực châu Á, ngoài bốn thành phố của Nhật, những thành phố khác nằm trong top 10 đô thị đắt đỏ nhất gồm Seoul, Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, Bắc Kinh và Busan. Theo ECA, đồng Won tăng giá là một trong những lý do khiến chi phí sinh hoạt tại Seoul lần đầu tăng cao hơn ở Hồng Kông kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Hãng tư vấn này cũng cho biết, cách đây 1 năm, chi phí sinh hoạt đối với người nước ngoài tại Tokyo cao hơn so với ở Hồng Kông 45%. Tuy nhiên, đến năm nay, khoảng cách này đã là 55%.
Tại châu Á, chi phí sinh hoạt của người nước ngoài đã tăng 4,6% trong 12 tháng qua, so với mức tăng 2,9% ở châu Âu và 2,7% ở Bắc Mỹ. Theo các chuyên gia của ECA, lạm phát đang gia tăng ở nhiều khu vực châu Á, trong khi đó, lạm phát tại châu Âu và Bắc Mỹ thấp hơn, đồng thời các đồng tiền ở các khu vực này cũng đang yếu đi.
Cuộc điều tra của ECA được thực hiện mỗi năm 2 lần với 400 thành phố trên thế giới. Những mặt hàng được đưa vào cuộc điều tra bao gồm thực phẩm, quần áo… nhưng không bao gồm giá nhà ở, điện nước, xe cộ… Trong đó, giá cả được tính theo USD.
(Theo Vneconomy)