Đã nhiều năm trôi qua nhưng trong tổng số 11 chung cư cũ, tại Hà Nội được lập dự án di dời, cải tạo, xây mới chỉ mới hoàn thành 1% khối lượng công việc.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng trong tổng số 11 chung cư cũ, nguy hiểm cấp D (buộc di dời, cải tạo theo Luật nhà ở) tại Hà Nội được lập dự án di dời, cải tạo, xây mới chỉ mới hoàn thành 1% khối lượng công việc. Tiến độ nhiều công trình hiện đang dậm chân tại chỗ.
Triển khai 10 năm vẫn chưa đâu vào đâu
Đầu năm 2009, sau khi phá dỡ tòa chung cư cũ C1, khu tập thể Thành Công (Q.Ba Đình), các hộ dân tại đây được bố trí đến nơi tạm cư, chờ công trình chung cư mới trên nền đất cũ hoàn thành sẽ chuyển về. Thế nhưng, gần bốn năm trôi qua dự án xây mới nhà C1 vẫn án binh bất động.
Dự án cải tạo hàng loạt tòa nhà thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Q.Hai Bà Trưng) được triển khai từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Việc giải phóng mặt bằng nhà A1, A2 - hai tòa nhà nằm trong diện nguy hiểm nhất ở đây - được tiến hành hơn một năm nay vẫn còn dang dở. Hiện tại hai tòa nhà đang là một công trường ngổn ngang gạch đá và ngập ngụa rác thải.
Ngoài số dân đã di dời tới tạm cư tại khu Vĩnh Hoàng (Q.Hoàng Mai) vẫn còn một số hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, di dời đang sống trong tòa nhà. Do đó dự án với 15 khu nhà cần cải tạo, xây mới trên diện tích 340.000m2 này vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công.
Tương tự, dự án cải tạo nhà B1, khu tập thể Văn Chương (Q.Đống Đa) vẫn đang vướng vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Theo đó, nếu theo chỉ tiêu quy hoạch đã phê duyệt, dự án này chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1/4 số dân hiện có, số còn lại buộc phải tái định cư - điều này cư dân không đồng tình. Ngược lại, nếu điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch tăng lên sẽ khiến hạ tầng quá tải không đáp ứng được, cơ quan chức năng không đồng tình.
Từ lúc lập dự án đến nay đã gần 10 năm nhưng dự án vẫn nằm im để chờ hoàn thiện quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, khu nhà có tuổi thọ gần 50 năm này đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân tại đây phải sống nơm nớp trong nguy hiểm. Ngoài ra, dự án cải tạo tòa nhà B6 Giảng Võ qua nhiều năm ì ạch chỉ vừa được khởi công vào giữa năm 2011.
Vướng đủ thứ
Ông Vũ Ngọc Đạm - trưởng phòng phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội - thừa nhận việc cải tạo các chung cư cũ chậm chạp và sẽ tiếp tục kéo dài thêm do vướng nhiều vấn đề.
Theo ông Đạm, thứ nhất là vướng vào quy hoạch. Theo Luật quy hoạch, sau khi có quy hoạch chung thủ đô (vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2011), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết sẽ lần lượt được xây dựng. Các dự án cải tạo chung cư vốn được lập trước đây, hiện nay buộc phải điều chỉnh, thỏa thuận lại để phù hợp với quy hoạch chung. Đến nay, Hà Nội chỉ mới bắt đầu rà soát để xây dựng quy hoạch phân khu.
Gần 900 chung cư cũ đã xuống cấp
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 900 chung cư cũ 4-5 tầng do thành phố quản lý. Ngoài ra, còn có 173 nhà tập thể thuộc quyền quản lý của đơn vị khác. Hầu hết các chung cư cũ này đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo.
Thứ hai, vướng về trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng. Theo Luật nhà ở, chung cư cũ ở mức nguy hiểm và đã được 2/3 hộ dân chấp thuận di dời, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng cho những dự án mua lại đất nền sau đó bố trí tái định cư. Riêng các dự án cải tạo chung cư cũ dạng đổi nhà lấy nhà trên nền cũ, chỉ bố trí tạm cư trong một thời gian thì chưa có hướng dẫn cấp nào sẽ ra quyết định và thực hiện cưỡng chế.
Đến đầu năm 2012, sau khi Sở Xây dựng TP xin ý kiến, Bộ Xây dựng mới có văn bản hướng dẫn trình tự này. Theo đó, với những nhà cao tầng (chín tầng trở lên), thành phố sẽ ra quyết định cưỡng chế, giải phóng mặt bằng, dưới chín tầng quyền quyết định thuộc về UBND quận, huyện. Từ hướng dẫn này, Sở Xây dựng TP mới bắt đầu trình TP ra hướng dẫn để áp dụng tại các dự án.
Thứ ba, vướng mắc từ chủ đầu tư và từ chính các hộ dân. Nhiều chủ đầu tư đòi hỏi phải được triển khai các dự án cao tầng tại nền chung cư cũ để sau khi hoàn trả nhà cho người dân sẽ dư diện tích sàn để đảm bảo kinh doanh có lãi, gây sức ép lên quy hoạch. Trong lúc đó, người dân lại gây sức ép với chính chủ đầu tư đòi bồi thường gấp nhiều lần so với diện tích ban đầu, gây ra mâu thuẫn về quyền lợi.
Ông Đạm cho hay để giải quyết mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và quy hoạch, giữa chủ đầu tư và người dân, mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo sắp tới Nhà nước sẽ đứng ra đảm nhiệm các dự án cải tạo chung cư cũ, các doanh nghiệp sẽ bàn giao các dự án cũ theo cơ chế chuyển tiếp. Theo ông Đạm, điều này sẽ được cụ thể hóa trong nghị định về cải tạo chung cư cũ, thay thế nghị quyết 34 về cải tạo chung cư cũ. Hiện nay Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo nghị định này để xin ý kiến các ngành.
(Theo TTO)