Luôn trong tâm trạng mệt mỏi, trầm uất mạn tính; thường xuyên cảm thấy mình cô đơn và buồn bã, hay nổi nóng với người xung quanh và dễ trở nên hung hăng hơn, luôn chạy theo một trào lưu xã hội nào đó từ lựa chọn quần áo cho đến lựa chọn nghề nghiệp...
Luôn trong tâm trạng mệt mỏi, trầm uất mạn tính; thường xuyên cảm thấy mình cô đơn và buồn bã, hay nổi nóng với người xung quanh và dễ trở nên hung hăng hơn, luôn chạy theo một trào lưu xã hội nào đó từ lựa chọn quần áo cho đến lựa chọn nghề nghiệp...
Báo cáo hàng năm về "Tình trạng thế giới" do Viện Quan sát thế giới (Worldwatch Institute - WI) đưa ra mới đây đã cảnh báo về sự bùng nổ cái gọi là "hội chứng siêu đô thị" mà hơn 70% người dân sống trong các đô thị lớn sẽ mắc phải một vài năm tới đây.
Bùng nổ các siêu đô thị
Từ hàng chục năm trước, người ta đã dự báo rằng, sự phát triển của các siêu đô thị (megacity - những thành phố có trên 10 triệu dân) sẽ là một đặc điểm của thế kỷ thứ 21. Nhưng có lẽ khi ấy không ai ngờ rằng tốc độ phát triển của nó lại nhanh chóng đến như vậy. Nghiên cứu của các chuyên gia Viện Worldwatch cho thấy, mới chỉ ở thập niên đầu tiên, các megacity đã mọc lên ào ào như nấm cả về quy mô lẫn số lượng. Sự bùng nổ này bao trùm mọi quốc gia từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây..., chủ yếu do xu hướng đô thị hóa ngày càng mở rộng ở mọi châu lục và do dân số thế giới ngày càng gia tăng.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, tới năm 2050, dân số thế giới sẽ lên tới 9 tỉ người và trong đó có 6 tỉ người sống ở thành phố. Sự gia tăng này sẽ kéo theo số lượng các megacity trên thế giới tăng gấp đôi, từ 22 hiện nay lên hơn 40 vào năm 2025, gấp 4 lần so với năm 1980. Đồng thời trong số các siêu đô thị đó sẽ xuất hiện một số trường hợp mà số dân ở đó vượt ngưỡng 20 triệu người.
Bùng phát bệnh "đô thị"
Các cuộc bùng phát đô thị trong lịch sử đã từng biến các đô thị vừa hào nhoáng vừa hùng mạnh thành biểu tượng của sự phát triển và phồn vinh. Nhưng mặt sau của tấm huân chương ấy lại là các kỷ lục về bệnh tật, tội ác và tệ nạn xã hội mà các đô thị "giành được". Chính vì vậy, không quá bi quan khi TS. Werner Fornos, cựu Giám đốc Viện Dân số Mỹ, cho rằng: "Ngày tận thế - giống như trong các phim khoa học giả tưởng - đang dần thành hiện thực nếu chúng ta không có những điều chỉnh thích hợp, kịp thời".
Ông Fornos cũng nói thêm, người dân tại các megacity đã và đang phải gánh chịu những mặt trái của xu hướng đô thị hóa. Những tác động rõ nhất trực tiếp đến các hoạt động thường nhật của người dân như giao thông luôn bị tắc nghẽn, khói bụi dày đặc khiến bệnh đường hô hấp gia tăng; mật độ dân cư dày khiến dịch bệnh lay lan nhanh và khó kiểm soát; các sức ép từ mọi mặt của đời sống xã hội làm xuất hiện tràn lan các bệnh lý về tâm thần, tỷ lệ tội phạm tăng mạnh khiến xã hội náo loạn, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, các giá trị đạo đức truyền thống bị phá vỡ, người dân bị suy giảm nghiêm trọng cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần... Đây là những hậu quả đương nhiên của các siêu đô thị khi nó được bổ sung một số lượng người đông đảo trong khi tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng kịp.
Theo ước tính của Viện quan sát thế giới, hơn 70% dân số đô thị sẽ mắc bệnh "đô thị" hay ít nhất một vài biểu hiện của cái gọi là "hội chứng siêu đô thị" - điều chỉ xảy ra với những người đang sống tại thành phố, còn ở nông thôn thì không. Con số đó khiến chúng ta phải thực sự lo ngại. Tuy nhiên, theo lời ông Hania Zlotnik - Giám đốc Tổ chức dân số Liên hợp quốc - dù biết đó sẽ là một hiện tượng hiểm họa nhưng dường như chúng ta buộc phải chấp nhận bởi nó là sản phẩm của xã hội phát triển.
Sức ép với người dân đô thị
Theo thống kê, 95% dân thành thị sống ở các thành phố lớn là thuộc về thế hệ thứ hai hoặc thứ ba. Ngày trước, tất cả ông bà, bố mẹ của họ là nông dân và đã sống qua nhiều thế kỷ ở nông thôn, họ giữ lối sống hoàn toàn khác so với thành thị. Người nông dân vốn có lối sống giản dị, chịu thương chịu khó, thường xuyên tiếp xúc với không khí trong lành, nhìn thấy thành quả lịch sử của mình... Trong khi đó, với những người chuyển đến ở thành phố lớn, tất cả các thú vui điền viên đã phải từ bỏ. Thay vào đó là lối sống hiện đại hóa, công nghiệp hóa đã làm đảo lộn mọi nhịp sống tự nhiên của con người. Hậu quả của nó là sự suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần trước những sức ép của cuộc sống đô thị.
Sức ép về tầm nhìn: Đó là hình ảnh đường phố với đủ loại biển hiệu quảng cáo; rồi những tòa nhà chọc trời, hình khối nhàm chán đơn điệu, sừng sững chen nhau. Việc thường xuyên đập vào mắt những hình khối giống nhau (chủ yếu là hình vuông không có trong thiên nhiên sống động) sẽ gây ức chế tâm lý rất nhanh. Hậu quả là hình trạng mệt mỏi mãn tính xuất hiện. Thêm vào đó, các nhà sinh thái học còn cho rằng, sự quá tải "thông tin thấy" còn làm cho con người trở nên hung hăng hơn, nhìn thấy cái gì cũng muốn gạt bỏ hay đập vỡ.
Sức ép âm thanh: Đường phố hầu như không có lúc nào yên tĩnh. Con người ở đây phải chịu đựng đủ loại âm thanh phát ra từ các phương tiện sinh hoạt hàng ngày, ô tô, xe máy rồi các phương tiện nghe nhìn, truyền thông với đầy dãy cảnh bạo lực. Hậu quả là, với những người nhạy cảm, họ sẽ phản ứng lại với từng thông tin một và như vậy, nguy cơ bị chứng loạn thần kinh chức năng sẽ rất cao. Một số khác lại tạo ra cơ chế tự vệ cho bản thân: coi như điếc với tất cả những gì không liên quan đến mình, dẫn đến coi thường mọi thứ xung quanh, trở thành con người độc đoán, gia trưởng.
Sức ép không gian: Theo thống kê, trung bình con người cần khoảng không gian lớn 3 - 4 lần so với khoảng không gian hiện có trong điều kiện các thành phố lớn, nơi người ta quý trọng từng cm2. Không gian cá nhân bị thu hẹp tối đa, trở lên rất chật chội, đã thế lại còn thường xuyên bị quấy rối, làm phiền sẽ khiến cho con người dễ nổi nóng, dần dần trở nên có tính hung hăng hoặc ngược lại, có tâm lý thu mình, e dè, sợ sệt. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho số người mắc triệu chứng cô đơn ngày càng tăng. Chúng ta cũng sẽ phải chứng kiến những người vốn đã yếu đuối, dễ bị tổn thương nay lại càng bị suy yếu hơn.
Sức ép về lối sống mới: Khi sống ở thành phố, người ta sẽ bị áp đặt một lối sống rập khuôn, bị động. Cùng với đó là ham muốn được thành đạt, muốn trẻ trung, muốn giàu sang... khiến người ta có thể dành toàn bộ sức lực và thời gian cho khát vọng của riêng mình. Dù không phải ai cũng đạt được khát vọng đó nhưng sự thật là cuộc sống toàn những ham muốn đã khiến cho con người rơi vào sự trầm uất liên miên, và sẵn sàng suy sụp bất cứ lúc nào, khi ham muốn không thành hiện thực.
Để khắc phục hội chứng này, các nhà sinh thái học khuyên rằng, mỗi người dân thành thị nên có một thời gian biểu rõ ràng, cố gắng dành thời gian để tiếp xúc với thiên nhiên và không khí trong lành, đừng để bị lôi kéo bởi những sinh hoạt về đêm và những ham muốn ngoài sức mình. Người dân châu Âu đã phải chịu đựng hội chứng siêu đô thị trong một thời gian dài và hiện đa số họ đã chuyển chỗ ở tới những vùng ngoại ô, còn thành phố chỉ để làm công sở. Các nhà khoa học hy vọng rằng hội chứng này sẽ được con người dần dần thích nghi như một tất yếu của sự phát triển và sau ba, bốn thế hệ nữa, mọi thứ sẽ ổn.
(Theo SKĐS)