Nghị định 01/2017/NĐ-CP được người dân quan tâm, bởi có nhiều nội dung thuận lợi cho người dân trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà (sổ đỏ).
Theo Nghị định 01/2017, người dân mua bán bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1/7/2004 đến trước 1/1/2008 sẽ được hợp thức hóa, cấp sổ đỏ. Thay đổi trên giúp rất nhiều trường hợp mua bán bằng giấy tờ viết tay được hợp thức hóa.
Nghị định bổ sung 3 loại giấy tờ chứng nhận đăng ký ruộng đất, giấy tờ do UBND cấp tỉnh, huyện hoặc xã chứng nhận và giấy tờ đất ở cho các hộ quân nhân theo Chỉ thị 282 của Bộ Quốc phòng.
Nghị định cũng mở rộng điều kiện đối với trường hợp giao đất trái thẩm quyền mà phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp, có nhà ở hay không đều được xem xét để công nhận quyền sử dụng đất.
Đến hết 30/6/2017, Hà Nội cơ bản cấp xong sổ đỏ cho những thửa đất đủ
điều kiện. Ảnh: Dũng Minh
Một điểm thuận lợi nữa là thủ tục hành chính được cải cách hơn, thủ tục cấp giấy chứng nhận được rút lại chỉ còn 7 - 10 ngày thay vì 15 ngày như trước.
Với nội dung mới này, người dân hy vọng sớm có hướng dẫn để áp dụng, giúp họ tháo gỡ vướng mắc để được cấp sổ đỏ. Nhưng hiện chưa có thông tư hướng dẫn.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Nghị định 01 có khoản 44 Điều 2 đã sửa đổi Điều 61 của Nghị định 43/2014, trong đó nêu chi tiết và cụ thể về trình tự thủ tục thời hạn giải quyết, hồ sơ rất rõ. Thậm chí, chia đến từng ngày, rất công khai minh bạch. Thời gian cấp sổ giảm dần từ 60 - 42 - 30 và đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội làm được chỉ còn 20 ngày.
“Có nhiều nội dung quy định tại Nghị định 01 có thể thực hiện được ngay. Trên thực tế, chúng tôi đã trình UBND Thành phố ban hành văn bản sửa đổi Quyết định 37 về đăng ký đất đai và tài sản khác chứ không chờ Thông tư hướng dẫn”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.
Các quy định về thời gian, thẩm quyền, thủ tục hồ sơ, Hà Nội đã áp dụng trước Nghị định 01, như bỏ yêu cầu chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu trong thủ tục cấp giấy chứng nhận. Hay Khoản 25 của Nghị định 01 có quy định về chia sẻ thẩm quyền, cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai ký giấy chứng nhận và sử dụng con dấu của Sở, Hà Nội cũng đã thực hiện.
Về giấy chuyển nhượng viết tay, ông Nghĩa cho biết, toàn văn Nghị định 01 không có điều nào quy định rẳng, mua bán nhà đất chỉ cần giấy viết tay là làm được thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
Khoản 59 Điều 2 Nghị định 01 sửa đổi Điều 82 Nghị định 43 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chỉ quy định về trường hợp mua bán chuyển nhượng mà chưa làm thủ tục. Theo ông Nghĩa, chỗ này được ngầm hiểu là giấy mua bán viết tay.
Cũng theo ông Nghĩa, quy định phân chia ra 2 thời kỳ, từ 1/1/2008 trở về trước, cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ tiếp nhận hồ sơ và thực hiện ngay không yêu cầu làm lại thủ tục công chứng, xác nhận. Còn giai đoạn từ 1/1/2008 đến thời điểm Nghị định 84 quy định điều kiện tài sản tham gia thị trường bất động sản đến trước ngày 1/7/2014 - thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực, thì đối tượng thực hiện có điều kiện. Tức là phải có một số loại giấy tờ theo Điều 100 của Luật Đất đai và muốn tổ chức thực hiện được thì phải làm nhiều thủ tục khác nhau theo như là đăng báo, niêm yết...
“Không nên hiểu đồng nhất cứ có giấy mua bán viết tay là xong, đến các cơ quan làm thủ tục là được”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.
Được biết, trong thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã rốt ráo triển khai công tác cấp sổ đỏ theo Chỉ thị 09 của Thành ủy và Chỉ thị 11 của UBND TP. Hà Nội. Theo đó, đến hết 30/6/2017, Hà Nội cơ bản cấp xong giấy chứng nhận cho người dân. Tuy nhiên, yêu cầu “cấp xong” chỉ áp dụng với các thửa đất đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận. Những thửa đất chưa đủ điều kiện cấp giấy, được yêu cầu đăng ký kê khai đất đai để Thành phố nắm được về tình trạng thửa đất phục vụ công tác quản lý.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thành phố còn hơn 190.000 thửa đất còn vướng mắc cần tháo gỡ, chưa cấp được Giấy chứng nhận.