Nhằm giải cứu doanh nghiệp địa ốc khỏi 'chết tức thì', Bộ Xây dựng từng ban hành Thông tư 02 chia nhỏ căn hộ đến hết năm 2014. Tuy nhiên, sau đó văn bản này bất ngờ được gia hạn tồn tại đến hết ngày 31/12/2015.
Trước tình trạng chia nhỏ căn hộ hiện có dấu hiệu chưa dừng, các kiến trúc đã lên tiếng cảnh báo rằng, giải pháp này vô tình đã gây áp lực lên hạ tầng và phá vỡ quy hoạch thành phố lớn.
Doanh nghiệp loạn chia nhỏ căn hộ
Tọa lạc tại số 1 đường Ngụy Như Kom Tum (Thanh Xuân, Hà Nội) là dự án Hei Tower với chủ đầu tư là Cty Cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội. Vào thời điểm khó khăn của thị trường BĐS, doanh nghiệp này xin chuyển đổi toàn bộ 3 sàn thương mại sang căn hộ nhỏ để bán. TP Hà Nội có văn bản chấp thuận vào ngày 6/5/2014. Theo đó, toàn bộ 4.480m2 nhà ở tầng 3, 4, 5 được chia thành 61 căn hộ, có 4 thang máy riêng. Phương án điều chỉnh này đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc chấp thuận vào ngày 19/5/2014. “Khách hàng mua nhà tại đây khi vào ở rất khó chịu, bởi lúc mua, bên bán quảng cáo có 3 tầng dịch vụ nay sẽ thành căn hộ. Chúng tôi phải dùng chung mọi dịch vụ của tòa nhà trong khi hạ tầng không đổi”, một cư dân đang sinh sống tại Hei Tower cho biết.
Ít ra dự án Hei Tower còn là trường hợp được chấp thuận, trong khi nhiều doanh nghiệp khác còn tự ý 'xé rào' chia nhỏ căn hộ khi chưa được cấp phép. Sở Xây dựng cấp giấy phép số 142 cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo (Cty Gia Bảo) để xây Tòa nhà D2 Giảng Võ vào năm 2011. Công trình này được cơ quan chức năng phê duyệt xây với quy mô 242 căn hộ, song đến tháng 3/2015 khi Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra thực tế thì chủ đầu tư lại xây dựng 251 căn, so với quyết định phê duyệt ban đầu đã quá 9 căn.
Chủ đầu tư tòa nhà đã vui vẻ chấp thuận với mực phạt 80 triệu đồng. Theo đại diện doanh nghiệp này: “Thêm 9 căn hộ là vì chúng tôi xin thay đổi cơ cấu lại các căn hộ diện tích lớn, đúng theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Dự án Hei Tower xây tăng thêm căn hộ khiến nhiều hộ dân rất bức xúc.
(Nguồn ảnh: P.V).
Trong khi đó, tại toà nhà tái định cư C1 (Thanh Xuân, Hà Nội) có chủ đầu tư là Vinaconex 1, doanh nghiệp này thậm chí còn xin chia nhỏ từ 39 lên 74 căn. Phó Tổng giám đốc Cty Vinaconex 1 Ông Đinh Hoàng Diệp chia sẻ: “Dự án đã được điều chỉnh lại thiết kế và cơ cấu căn hộ để phù hợp với nhà tái định cư. Vì Luật Nhà ở mới áp dụng nên dự án chậm triển khai do phải hoàn thiện thủ tục”.
Chia nhỏ căn hộ gây áp lực lên hạ tầng
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội ông Đào Ngọc Nghiêm cho hay, lý do khiến thị trường BĐS trầm lắng như thời gian qua là bất hợp lý giữa cung và cầu. Đã có một thời gian dài do chạy theo lợi nhuận và không lường được nhu cầu thực của xã hội nên nhiều doanh nghiệp địa ốc đã tập trung vào cung cho đối tượng giàu trong xã hội.
Ông Nghiêm cho rằng, cái lợi của chia nhỏ căn hộ là giải quyết tồn kho BĐS. Song, tác động kép là gây nên áp lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Theo ông Nghiêm: “Cơ quan chức năng phải có cái nhìn tổng thể, tránh gây áp lực lên nội đô. Vị trí cụ thể của dự án cần được xem xét kỹ. Trường hợp trong khu vực cho phép chia nhỏ phải đảm bảo việc gia tăng hạ tầng xã hội... Không nên vì cứu BĐS mà gây áp lực cho hạ tầng”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu, các vị trí quận trung tâm ở Tp.HCM không được chia nhỏ căn hộ. Hơn nữa, doanh nghiệp BĐS tại TP cũng không dám tự ý chia nhỏ căn hộ.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thông tư 02 không cho phép các dự án được duyệt sau 2013 chia nhỏ. Vị này nói: “Những quy hoạch phê duyệt 2013 muốn chia nhỏ phải theo Thông tư 02. Còn việc dự án xé rào hay không do Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chịu trách nhiệm. Thông tư 02 có thể sẽ tiếp tục gia hạn với các dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội”.
Ông Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ quan điểm, ai làm quy hoạch cũng biết phải coi trọng dân số khi phê duyệt dự án. Một khi dự án phê duyệt tính cho 1.000 hộ dân nhưng lại tăng lên thì trường học không thể đảm bảo và chỗ đỗ xe cũng không có... Dù là giải quyết tồn đọng nhưng không nên gây áp lực cho các giai đoạn sau.