Bắt đầu từ ngày 5/1, theo Thông tư liên tịch số 20 của Bộ Xây dựng và Bộ
Nội vụ, các dự án bất động sản chậm tiến độ sẽ bị xem xét thu hồi.
Bắt đầu từ ngày 5/1, theo Thông tư liên tịch số 20 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ, các dự án bất động sản chậm tiến độ sẽ bị xem xét thu hồi.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản phát triển nóng cộng với khủng hoảng kinh tế kéo dài, la liệt các dự án bất động sản thuộc mọi phân khúc hiện vẫn im lìm do chậm tiến độ thi công hoặc không thể thi công.
Thậm chí, nhiều dự án đã ngủ quên đến cả thập niên gây nên nhiều bức xúc trong dư luận và những hệ lụy cho thị trường bất động sản.
Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản đang có xu hướng giảm dần nhưng vẫn còn khá lớn.
Tính trên phạm vi toàn quốc, đến hết ngày 15/12/2013 tổng giá trị tồn kho bất động sản vào khoảng 94.458 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I/2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ.
Hiện nay trên địa bàn toàn quốc có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn, tổng mức đầu tư khoảng 30.672 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, ngày 21/11/2013 vừa qua, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 5/1/2014, sẽ chính thức rà soát, xem xét thu hồi các dự án bất động sản chậm tiến độ, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đât đai, ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh ở nhiều nơi.
Thông tư 20 quy định, UBND các cấp sẽ giao cho Sở Xây dựng chủ trì tổ chức rà soát đánh giá thực trạng triển khai và phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trước ngày Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành; làm rõ tình hình tồn kho bất động sản trên địa bàn để báo cáo UBND cấp tỉnh.
Căn cứ trên kết quả rà soát, đánh giá các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, số liệu về tồn kho bất động sản…UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc dừng, tạm dừng hoặc cho tiếp tục triển khai các dự án.
Đồng thời, Thông tư 20 cũng đưa ra những nguyên tắc cơ bản để phân loại các dự án để đề xuất, xem xét quyết định tạm dừng hoặc được phép triển khai tiếp dựa trên các nguyên tắc cơ bản.
Nhóm các dự án được tiếp tục triển khai gồm các dự án có sản phẩm dự án đáp ứng nhu cầu về nhà ở của thị trường; phù hợp quy hoạch phân khu (hoặc quy hoạch chung đô thị - trong trường hợp không cần lập quy hoạch phân khu) và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt; chủ đầu tư có năng lực đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng đã được phê duyệt.
Nhóm các dự án cần điều chỉnh để được tiếp tục triển khai gồm các dự án đã cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, dự án đã thực hiện đầu tư nhưng cần điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch đô thị và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, hoặc cần điều chỉnh loại hình sản phẩm và thời điểm cung cấp để phù hợp với dự báo về nhu cầu nhà ở của thị trường.
Nhóm các dự án tạm dừng bao gồm các dự án đã cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng nhưng có sản phẩm nhà ở cùng loại với sản phẩm hiện đang tồn kho nhiều trên thị trường và không thể điều chỉnh; các dự án chưa thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc diện tích đã giải phóng mặt bằng có tỷ lệ thấp (dưới 30%); các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án.
Nhóm các dự án phải dừng là những dự án không giải phóng được mặt bằng, dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch đô thị được duyệt; dự án thực hiện chậm tiến độ phải bị xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai và bất động sản.
Cùng với những quyết tâm mới của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 01 – Nghị quyết quan trọng đầu tiên của năm 2014, việc Thông tư 20 chính thức có hiệu lực thi hành đang được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực mới cho việc hồi phục trở lại thị trường bất động sản.
Theo Bizlive