Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Theo đó, cho phép nghiên cứu, ưu tiên đầu tư xây dựng tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại đô thị lớn TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Đề án này nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Cùng với đó, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Theo Đề án, Chính phủ cho phép nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung Đề án nêu rõ, Chính phủ cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm từ 18h hôm trước tới 6h sáng hôm sau tại một số khu du lịch, thành phố lớn. Đây là những nơi cần có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro, đông khách du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Đà Lạt, TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc...
Sau thời gian thí điểm, các địa phương sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế đêm để xây dựng, hoàn thiện mô hình kinh tế đêm, nhân rộng ra các địa phương khác.
|
Chính phủ cho phép nghiên cứu, ưu tiên đầu tư xây dựng tổ hợp giải trí đêm tại đô thị lớn Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Cũng theo nội dung Đề án, Chính phủ không khuyến khích phát triển kinh tế đêm sau 10h tối một cách đại trà mà có trọng điểm, trước mắt cho phép một số thành phố, trung tâm du lịch lớn của cả nước có tính biểu tượng. Các địa phương được lựa chọn để thí điểm phải đầu tư bài bản, có kế hoạch phát triển dài hạn và cẩn thận.
Có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tham gia kinh tế đêm như nâng cao năng lực, tiếp cận nguồn tài chính. Tùy đặc trưng của từng địa phương, các sản phẩm du lịch đêm sẽ được xây dựng, quảng bá rộng rãi.
Trong khi đó, các địa phương được yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò kinh tế đêm, giảm dần và xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế đêm, các điểm vui chơi giải trí đêm. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước phải có tư duy cởi mở hơn, nhìn nhận và đánh giá đa chiều về vai trò, cơ hội cũng như rủi ro của kinh tế đêm. Đặc biệt, nhà quản lý cần phải vượt qua tư duy "không quản được thì cấm".
Theo yêu cầu của Chính phủ, các khu vực phát triển kinh tế đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế rác thải sinh hoạt, ô nhiễm tiếng ồn... Cần có phương án di dời dân cư khỏi khu vực tập trung phát triển kinh tế đêm. Quy hoạch cụ thể khu vực sinh sống của người dân sau khi di dời để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân vào ban đêm.
Chính phủ cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp để phát triển kinh tế đêm, gồm nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế đêm; sử dụng quy hoạch để quản lý hoạt động kinh tế đêm; hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế ban đêm...
An Thanh
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/07/29/cho-phep-xay-dung-to-hop-giai-tri-dem-tai-ha-noi-tp-hcm-va-da-nang