Việc ông Mai Trọng Tuấn, một người dân TP HCM đưa ra ý tưởng "Mở rộng đường nội thành mà không tốn nhiều kinh phí di dời, giải tỏa; không làm xáo trộn cuộc sống vốn quen thuộc của người dân tại chỗ" bằng cách "chồng tầng" không phải không có cơ sở và cần được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản.
Việc ông Mai Trọng Tuấn, một người dân TP HCM đưa ra ý tưởng "Mở rộng đường nội thành mà không tốn nhiều kinh phí di dời, giải tỏa; không làm xáo trộn cuộc sống vốn quen thuộc của người dân tại chỗ" bằng cách "chồng tầng" không phải không có cơ sở và cần được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản.
Chưa kể đường hẻm, TP HCM có tổng cộng 3.000km đường các cấp hạng. Trong đó, chiếm đến 51% là lòng đường có bề rộng từ 7 - 12m; 35% chiều dài đường giao thông có bề rộng dưới 7m nhưng đang phải gánh gần 5 triệu phương tiện ôtô và xe gắn máy của cả người dân thành phố và các tỉnh, thành tập trung về. Tại các tuyến đường trung tâm và đường nội thành, vào giờ cao điểm, mật độ phương tiện dày đặc, diện tích đường chỉ còn chưa đầy 1m2 cho mỗi xe gắn máy. Áp lực về vấn đề hạ tầng giao thông đô thị là rất lớn, nhưng việc mở rộng các tuyến đường nội thành hiện hữu là không hề đơn giản.
Thực tế cũng đã cho thấy, chỉ với việc giải tỏa, mở rộng vài ki lô mét trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố đã phải mất ít nhất 5 năm và hơn 2/3 trong số 2 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư là dành cho việc bồi thường, thu hồi đất để mở đường… thì việc ông Mai Trọng Tuấn, một người dân tại thành phố đưa ra ý tưởng "Mở rộng đường nội thành mà không tốn nhiều kinh phí di dời, giải tỏa; không làm xáo trộn cuộc sống vốn quen thuộc của người dân tại chỗ" bằng cách "chồng tầng" không phải không có cơ sở và cần được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản.
Theo nhận định của ông Tuấn, mật độ dân số khu vực nội thành tăng nhanh trong khi diện tích đất không tăng, hiện đất ở đô thị, bao gồm cả đất giao thông, công viên, công trình công cộng… chỉ còn đạt khoảng 25m2/người và việc mở rộng đường, mở rộng hẻm khu vực nội thành càng khiến diện tích nhà ở khu vực này bị "nén" chặt lại.
Trong khi đó, chủ trương giãn dân của thành phố cũng không đem lại hiệu quả nhiều bởi hầu hết các dự án phát triển nhà ở được thành phố quy hoạch tại các quận ven và huyện ngoại thành tập trung theo hướng làm dự án cao cấp nên những người nghèo và đối tượng có thu nhập thấp ở khu vực nội thành khó với tới. Từ thực trạng cứ mở rộng đường nội thành thêm bao nhiêu là phần diện tích đất ở của người dân sẽ bị co lại bấy nhiêu này đã dẫn tới việc giải tỏa, mở rộng đường gần như rơi vào bế tắc ngay cả khi chính quyền thành phố có tiền. Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn đã đưa ra ý tưởng tận dụng không gian - một tài sản quốc gia để "chồng tầng".
Kết quả khảo sát trong đề tài nghiên cứu của ông Tuấn cho thấy, nhà dân ở 2 bên các tuyến đường nội thành chiếm đến 80% là nhà từ 3 - 4 tầng trở xuống; từ vỉa hè vào đến phía sau khoảng 50m sẽ có khoảng 3 căn hộ nối tiếp. Như vậy, một đoạn phố với chiều dài 200m sẽ có 50 căn mặt tiền; 150 căn nhà phía sau và 200 căn nhà này sẽ chiếm diện tích đất là 10.000m2. Chỉ cần với 20% nhà 3 - 4 tầng và 40% nhà 2 tầng còn lại là nhà trệt thì số căn hộ này đã chiếm một thể tích không gian tổng cộng là 80.000m3. Nếu đem xẻ dọc phần diện tích đất 10.000m2 này thành 2 phần, mỗi phần có diện tích 5.000m2 và thể tích 40.000m3, sau đó lấy khối không gian nhà sát mặt tiền phía trước chồng lên khối phía sau, sẽ có một dãy nhà liên kế hoặc chung cư 4 tầng với diện tích sàn xây dựng lên đến 20.000m2 mà thể tích chiếm dụng không gian vẫn chỉ là 80.000m3 và mặt đường đã được mở rộng thêm 25m.
Việc bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân sẽ tuân theo nguyên tắc: Hộ dân nào có nhà mặt tiền trước đây sẽ được bố trí ở mặt tiền của tầng trệt; những hộ dân phía sau sẽ bố trí lên trên các tầng trên, vừa đảm bảo diện tích chuẩn, lại cải thiện được không gian sống… nhất là trong điều kiện nhiều khu nhà lụp xụp ở phía sau dãy nhà mặt đường có diện tích chật hẹp, ẩm thấp; môi trường không khí của tầng thấp sát mặt đất đang nóng và bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay.
Về mặt kinh phí đầu tư xây dựng, với cách làm này, chỉ cần Nhà nước hỗ trợ một phần tương ứng với diện tích đất được giải tỏa làm đường cho chủ đầu tư và cho phép các nhà đầu tư được khai thác từ tầng thứ 5, thứ 6 trở đi vào mục đích thương mại… sẽ tạo được những điều kiện hấp dẫn để nhiều nhà đầu tư cùng làm và làm theo kiểu cuốn chiếu, mở rộng từng đoạn 200 - 300m.
Theo KTS Trần Đình Bá, việc tận dụng không gian, "chồng tầng" không chỉ giải quyết vấn đề mở rộng đường, cải thiện diện tích, chất lượng nhà ở cho người dân đang sinh sống trong các hẻm nhỏ, các khu nhà lụp xụp phía sau các dãy mặt tiền khang trang… mà về mặt kiến trúc, cách làm này còn phù hợp với xu thế hiện đại, lại góp phần kiểm soát, chỉnh trang được bộ mặt kiến trúc cho đô thị.
(Theo CAND)