Tại tỉnh Bình Thuận, một số chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức kinh doanh môi giới bất động sản thực hiện rao bán, chuyển nhượng các dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh.
Vào ngày 24/7 vừa qua, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X, đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới các dự án bất động sản.
Theo đa số đại biểu, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện tình trạng một số dự án đầu tư kinh doanh địa ốc (dự án khu dân cư, dự án nghỉ dưỡng...) chưa làm xong thủ tục (giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, giao đất, cấp phép xây dựng, hoàn thiện hạ tầng...) song chủ đầu tư vẫn rầm rộ rao bán trên mạng xã hội và các sàn giao dịch.
|
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi liên quan tới các dự án bất động sản trên địa bàn. (Nguồn: binhthuan.gov) |
Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, ông Xà Dương Thắng thông tin, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 44 dự án du lịch nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh bất động sản và 32 dự án kinh doanh bất động sản. Trong số các dự án này này, có 10 dự án đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định hiện hành.
Thế nhưng, một số địa phương trên địa bàn tỉnh như thị xã La Gi, Hàm Tân, TP. Phan Thiết thời gian qua xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư, đơn vị phân phối, cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi nhà đất sản rao bán, chuyển nhượng dự án trong khi chưa đủ điều kiện kinh doanh thông qua hợp đồng góp vốn, đặt chỗ, giữ chỗ... để thu tiền khách hàng. Sự diễn biến phức tạp của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh trật tự mà còn khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Theo ông Xà Dương Thắng, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở cùng các quy định pháp luật liên quan chưa có quy định liên quan tới việc rao bán, đặt chỗ, giữ chỗ, đăng ký vị trí, thu tiền của khách hàng dù dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có 14 văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chấp hành đúng quy định khi đầu tư, kinh doanh. Trong trường hợp vi phạm sẽ xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý. Cũng theo chỉ đạo của Sở Xây dựng, Thanh tra Sở thời gian tới cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan tới lĩnh vực địa ốc.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đơn vị đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, giúp người dân hiểu rõ các quy định thông qua nhiều hình thức; tránh mua bán, chuyển nhượng các bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh. Động thái này nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ông Hùng cho biết, nếu muốn nhận chuyển nhượng, mua bán nhà đất, đặc biệt là các bất động sản hình thành trong tương lai, khách hàng cần xác minh điều kiện kinh doanh của người bán. Cùng với đó, hợp đồng kinh doanh phải được lập thành văn bản, được chứng thực, công chứng bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người dân nên tìm hiểu tính pháp lý dự án, những thông tin quy hoạch tại các cơ quan chức năng, để được hướng dẫn thủ tục, tránh rủi ro...
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm soát thị trường tại địa bàn; đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm; ngăn chặn, phòng ngừa việc đầu cơ, "làm giá", "thổi giá" bất động sản để lừa đảo, trục lợi.
Đặc biệt, với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ phải kiên quyết xử lý hoặc chuyển cơ quan chức năng điều tra và xử lý nghiêm trong trường hợp có dấu hiệu hình sự.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, UBND tỉnh cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng thu gom đất, chuyển mục đích sử dụng đất để làm hạ tầng, phân lô tách thửa, bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát khiến quy hoạch bị phá vỡ.