Số dự án căn hộ ở TP.HCM đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy chữa cháy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Số dự án căn hộ ở TP.HCM đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy chữa cháy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cuối năm 2010, hơn 200 hộ dân chung cư New Saigon (Hoàng Anh Gia Lai 3), huyện Nhà Bè, TP.HCM đã tổ chức họp để yêu cầu chủ đầu tư trả lời chất vấn về việc tòa nhà bị thấm sàn và tường, bồn cầu bốc mùi hôi, cửa không đóng được chỉ sau 1 năm sử dụng. Trường hợp khiếu nại như vậy không phải là hiếm ở các chung cư cao cấp. Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Có những câu chuyện chưa được kể liên quan đến vấn đề chất lượng tại các khu căn hộ mà chỉ dân kỹ thuật và những người có liên quan mới biết được. Trong đó có chất lượng phòng cháy chữa cháy. Đây được xem là phần quan trọng nhất vì liên quan đến tính mạng con người. Nhiều vụ cháy ở các chung cư cao tầng xảy ra gần đây càng khiến cho vấn đề này trở nên nóng bỏng.
Theo kiến nghị của Ban quản trị chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 gửi cho Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy, Bộ Công an vào cuối tháng 7 vừa qua, chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 hiện có 4 hạng mục được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các hạng mục này chưa hoàn toàn hoặc không tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng.
Theo kiến nghị này, có ít nhất 10 nội dung mà tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai 3 chưa đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Chẳng hạn, nhiều cửa vào phòng đệm cầu thang bộ không thể đóng kín để có thể tạo áp suất không khí dương ngăn khói vào phòng đệm cầu thang bộ.
Hoặc như theo tiêu chuẩn Việt Nam 6160-1996 về phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng, mỗi căn hộ phải là một khoang ngăn lửa ít nhất trong 45 phút. Cửa ra vào, cửa sổ, cổng ở tường ngăn cháy, vách ngăn cháy phải làm bằng vật liệu chống cháy có giới hạn chịu lửa trong ít nhất 45 phút. Tất cả những điều này đều không đạt được. Nếu có cháy, lửa và khói sẽ lan nhanh ra bên ngoài hoặc từ bên ngoài lan nhanh vào bên trong căn hộ.
Theo ông Lê Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty Tư vấn Indochine Engineering, chuyên về tư vấn thiết kế cơ điện, đang sống tại Hoàng Anh Gia lai 3, nếu xét theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam về khoang ngăn lửa hay có thể ngăn cháy lan thì chỉ có khoảng 6 dự án ở TP.HCM đáp ứng được gồm The Manor, Saigon Pearl, Đảo Kim Cương, Khu căn hộ Nguyễn Du, Avalon và Saigon Tower.
Lý giải về vấn đề này, ông Hồ cho rằng do các tiêu chuẩn của Việt Nam cũng sao chép từ các quốc gia trên thế giới nên có những tiêu chuẩn rất cao so với Việt Nam. Thậm chí, một số người soạn thảo không thực sự am hiểu nên các chủ đầu tư khó tuân thủ. “Vấn đề chính là các cơ quan chức năng của Việt Nam thực hiện chưa nghiêm túc công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy”, ông nhận xét.
Nhìn từ một góc độ khác, chi phí có thể là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư không hoàn toàn tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy. Theo ông Lê Hoàn, Giám đốc Space Engineering, công ty chuyên về thiết kế cơ điện, tiền mua các thiết bị đảm bảo phòng cháy chữa cháy không hề nhỏ, do phải sử dụng cửa chống cháy, dây cáp cấp điện chống cháy, hệ thống tạo áp… “Nếu trang bị đầy đủ các hệ thống phòng cháy chữa cháy, chi phí có thể chiếm khoảng 15-20% gói cơ điện”, ông cho biết.
Theo ông Hồ, do là người làm kỹ thuật nên qua quá trình sinh sống và quan sát, ông mới phát hiện được những vấn đề về chất lượng phòng cháy chữa cháy tại các khu căn hộ.
Thực tế cho thấy, sự hời hợt trong công tác phòng cháy chữa cháy chỉ thực sự được biết đến khi có sự cố xảy ra và lúc đó cơ quan chức năng mới vào cuộc và làm rõ.
Vụ cháy tòa nhà 18 tầng ở Hà Nội vào đầu năm 2010 là một ví dụ. Sau vụ cháy khiến 2 người chết này, một cuộc tổng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy chung cư trên toàn thành phố Hà Nội đã được tiến hành do lực lượng công an chủ trì. Sau gần 2 tháng, cơ quan chức năng đã lập 323 biên bản kiểm tra, kiến nghị gần 1.300 các thiếu sót cần khắc phục trong công tác phòng cháy chữa cháy của 368 chung cư ở Hà Nội.
(Theo NCĐT)