Theo báo cáo của quận Cầu Giấy gửi Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), tất cả các nhà chung cư tư nhân trên địa bàn quận đều được cấp giấy phép xây dựng là nhà ở gia đình.
Theo báo cáo của quận Cầu Giấy gửi Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), tất cả các nhà chung cư tư nhân trên địa bàn quận đều được cấp giấy phép xây dựng là nhà ở gia đình.
Vậy nhưng, khi xây dựng, chủ đầu tư đã tự thay đổi thiết kế, chia nhỏ thành các căn hộ để bán.
Ngoài vòng kiểm soát
Bộ Xây dựng đã vào cuộc, khảo sát thực trạng loại nhà này trên địa bàn quận Cầu Giấy. Theo thống kê của quận Cầu Giấy, hiện trên địa bàn có 6 khu chung cư tư nhân với tổng số 141 căn hộ. Các toà nhà này có chiều cao 5 - 6 tầng, xây dựng trên diện tích đất khoảng 150 - 200 m2. Diện tích mỗi căn hộ tư nhân khoảng 30 đến 35m2.
Qua khảo sát, đã có 4/6 khu chung cư tư nhân có người đến ở. Đa số các khu chung cư đều có chỗ để xe, tuy nhiên cũng có những khu không có chỗ để xe riêng.
Theo UBND quận Cầu Giấy, tất cả các chung cư tư nhân được cấp giấy phép xây dựng là nhà ở gia đình. Khi xây dựng, chủ đầu tư tự thay đổi thiết kế, chia nhỏ thành các căn hộ khép kín để bán. Hiện nay, UBND quận chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho bất cứ trường hợp nhà chung cư tư nhân nào trên địa bàn quận. Các căn hộ này thường được chuyển nhượng theo hình thức hợp đồng mua bán thoả thuận giữa hai bên. Việc quản lý nhà chung cư tư nhân hiện nay mỗi nơi một kiểu, thường do chủ đầu tư quản lý, có trường hợp bố trí bảo vệ, quản lý chung, có trường hợp không có bảo vệ, quản lý. Các hộ dân mua căn hộ và đến ở chỉ khai báo tạm trú, chưa làm thủ tục nhập khẩu.
Từ thực trạng này, UBND quận Cầu Giấy kiến nghị, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyển sử dụng đất. Quy định về việc xử lý các biến động phát sinh với loại nhà này như: chuyển đổi, thừa kế, mua bán giao dịch... Đồng thời, cũng cần có các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các chủ đầu tư khi xây dựng và bán các căn hộ trong nhà chung cư tư nhân.
Những nguy cơ trước mắt
Các khu chung cư tư nhân thường xây dựng tại khu vực nội đô, nơi tập trung dân cư, nên có thể sẽ gây sức ép lớn lên hạ tầng cơ sở. Theo TS Tô Thị Toàn - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, hạ tầng kỹ thuật khu vực nội đô Hà Nội vốn đã chịu một sức ép lớn. Do đó, nếu các cơ quan quản lý không kịp thời có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả, để các chung cư tư nhân phát triển tự phát thì sẽ để lại hậu quả khôn lường trong tương lai.
Báo cáo của UBND quận Cầu Giấy cũng ghi nhận, các căn hộ trong chung cư tư nhân thường nằm trong các ngõ nhỏ khoảng 2m. Các căn hộ này lại đều sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật có sẵn trong khu vực dân cư như: Hệ thống thoát nước thải, hệ thống điện, lối đi chung và hệ thống xử lý rác thải, vệ sinh môi trường.
Nhận xét về vấn đề này, báo cáo viết: “Hiện trạng cơ sở hạ tầng tại các khu nhà chung cư tư nhân thường bị quá tải do mật độ dân số cao trong khi đó vẫn chỉ sử dụng hệ thống hạ tầng có sẵn của khu dân cư mà không có sự đầu tư, nâng cấp”. Qua đó, UBND quận Cầu Giấy đề xuất, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, thuế với Nhà nước cần có quy định về trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc đóng góp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với địa phương cũng như các quy định cụ thể về việc đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, UBND quận Cầu Giấy cũng cho biết, trên địa bàn quận hiện nay, nhiều hộ gia đình có diện tích đất lớn khoảng 200 - 300m2, thường xây dựng nhà cho sinh viên hoặc hộ gia đình thuê, mô hình này cũng giống như nhà chung cư tư nhân. Đây cũng là mô hình nhà cần được đưa vào quản lý, trước khi nó được nhân rộng một cách tự phát.
(Theo GĐXH)