Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh "đất chật người đông" như hiện nay, nhà cao tầng được xem là giải pháp tất yếu đối với Việt Nam.
Các chuyên gia đến từ 6 nước và vùng lãnh thổ gồm Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong đã đến Hà Nội tham dự Hội thảo quốc tế về “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam” vào ngày 5/6 vừa qua.
Tham gia Hội thảo, một số chuyên gia nhận định, trong khi những tòa nhà cao tầng ở các quốc gia trên thế giới tạo nên hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại thì tại Việt Nam, cao ốc được xem là "tội đồ" phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Không có nước nào trên thế giới hạn chế việc xây cao ốc. Họ không kiểm soát hình thức xây dựng mà chỉ kiểm soát mật độ dân số. Ông Nguyễn Đỗ Dũng, kiến trúc sư đến từ Công ty tư vấn CPG Consultants Singapore cho biết thông tin này.
Đồng thời, ông Dũng cũng đưa ra những tính toán để chứng minh cho luận điểm mình đưa ra. Theo ông Dũng, diện tích trung bình của một ngôi nhà ống là 80m2. Trên 1 ha đất thì 80% diện tích sẽ có khoảng 100 căn nhà nếu xây với mật độ dày đặc như hiện nay. Nếu mỗi hộ gia đình có 4 người thì mật độ trung bình là 400 người sinh sống trên 1 ha.
Thế nhưng, trường hợp xây chưng cư với 1 ha cho cùng một số lượng nhà ở thì bộ mặt đô thị sẽ khác. Một tòa chung cư cao 25 tầng với 4 căn/tầng, mỗi căn rộng khoảng 200m2. Nếu muốn chứa đủ 100 căn thì diện tích mỗi sàn khoảng 1.150 m2 (đã gồm thang máy, thang bộ và hành lang). Trên lô đất rộng 1 ha, diện tích này chỉ chiếm hơn 10%. Gần 9.000m2 còn lại sẽ dành để thiết kế bãi đỗ xe, công viên, vườn hoa, mở rộng đường và các tiện ích khác.
|
Theo nhiều chuyên gia, nhà cao tầng là giải pháp tất yếu đối với Việt Nam khi dân số gia tăng mà quỹ đất ngày một hạn chế. (Ảnh: Giang Huy). |
Có cùng quan điểm với kiến trúc sư Nguyễn Đỗ Dũng, theo giảng viên Đại học Full Bright, TS. Huỳnh Thế Du, một trong những lý do khiến các đô thị ở Việt Nam gặp nhiều vấn đề là mật độ nhà ống dày đặc. Bởi lẽ, cấu trúc nhà ống chỉ phù hợp với giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Ông Du cho rằng, xây nhà cao tầng đi cùng với hệ thống giao thông công cộng công suất lớn sẽ giúp giải quyết thực trạng này.
Các chuyên gia cho rằng, các tòa cao ốc là giải pháp hợp lý để phát triển đô thị. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quy hoạch cần được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ số m2 về cây xanh, giao thông và các khu công cộng trên đầu người cũng cần được đảm bảo. Thế nên, việc hạn chế xây cao ốc ở khu vực trung tâm không phải là giải pháp tối ưu. Vấn nạn ùn tắc giao thông sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi xu hướng chuyển từ xe máy sang ô tô.
Cũng theo các chuyên gia, trên thực tế, nhà cao tầng không chỉ xuất hiện ở các trục đường lớn mà các ngõ nhỏ cũng có. Vì vậy, vấn đề đáng quan tâm ở đây là, các chủ đầu tư xây dựng nhà cao tầng có tuân thủ quy hoạch hay không.
Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Atlanticc, ông Nguyễn Tuấn Cường cho hay, sự xuất hiện của cao ốc không gây ùn tắc giao thông hay mật độ dân số cao. Có hai lý do chính dẫn tới sự quá tải ở khu vực trung tâm. Thứ nhất là quản lý bị "tắc"; hai là quy hoạch chưa có sự đồng bộ hóa. Ở các nước trên thế giới, giao thông được xây dựng theo mô hình bàn cờ với các hướng đều mở luồng di chuyển từ khu vực trung tâm thành phố ra vùng ngoại thành. Trong khi đó, Việt Nam lại quy hoạch dạng "thắt cổ chai" nên các nút giao thông, điểm giao thông trọng điểm ở nội đô như bị "tê liệt".
Đồng quan điểm trên, theo TS. Ngô Viết Nam Sơn, “nhà cao tầng không có lỗi”. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ông Trần Ngọc Chính đánh giá, sự hiện diện của cao ốc ở khu vực trung tâm thành phố là một tất yếu của quá trình đô thị hóa, phát triển hội nhập với toàn cầu. Vấn nạn ùn tắc giao thông không phải do quản lý nhà thấp tầng hay cao tầng mà là quản lý về mật độ, hạ tầng giao thông, xã hội xung quanh dự án.
Chủ đề hội thảo đã được báo cáo và xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay.